EU tái khẳng định quan ngại về các hành động gây căng thẳng tại Biển Đông

Ngày 28-8, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng thông cáo nêu rõ quan điểm về tình hình biển Đông trong thời gian gần đây.

Thông cáo trên trang web chính thức của EU nhấn mạnh "những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình kinh tế của khu vực".

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng EU có tuyên bố chính thức bày tỏ sự quan ngại về các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Trước đó, nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 5-8, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và An ninh, bà Federica Mogherini đã lên án việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên cần giải quyết các bất đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh làm phương hại đến hòa bình và an ninh của khu vực.

EU có lý do chính đáng để lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khối thương mại lớn nhất thế giới này có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định, đặc biệt là các hành lang nối khu vực này với các trung tâm kinh tế ở Đông Á trong đó chỉ riêng thương mại với Nhật Bản chiếm 25% GDP toàn cầu.

Các nước Đông Bắc Á tạo nên thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU. Khối này cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.

Mới đây nhất EU và Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVFTA và EVIPA), mở ra một không gian hợp tác kinh tế rộng rãi, đem đến lợi ích to lớn cho cả hai bên, với Việt Nam trở thành cầu nối cho EU triển khai chính sách mở rộng thương mại tại khu vực

Ngoài lợi ích kinh tế, EU cũng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bởi khối này đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) hồi năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Từ lâu EU mong muốn có được địa vị quan sát viên tại diễn đàn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), bởi thế các đóng góp của EU, dù mới chỉ dừng lại ở việc lên tiếng bày tỏ lập trường đã có giá trị hữu ích đối với an ninh khu vực, đặc biệt là trong vấn đề biển Đông.

Vốn không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, EU từ trước tới nay không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ quyền. Mặt khác, là một nhân tố có sức nặng trên trường quốc tế và là bên tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA).

Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA).

Các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung cũng phản ánh lập trường này và được phản ánh dưới các hình thức khác nhau. Hồi năm 2012, EU đã công bố Đường lối chỉ đạo chính sách Đông Á khuyến khích các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, hối thúc Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.

Chiến lược an ninh hàng hải EU công bố hồi năm 2014 cũng được xây dựng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ UNCLOS cũng như quyền tự do hàng hải, coi đó là cơ sở cho sự ổn định toàn cầu. Chiến lược toàn cầu EU (EUGS) hiện nay, được công bố hồi tháng 6-2016, cam kết một cách cụ thể “ủng hộ tự do hàng hải, kiên trì tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển và các thủ tục tố tụng của nó, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp biển”. Chiến lược này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng năng lực biển và hỗ trợ một cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn đầu”.

Trong thông cáo mới nhất, EU kêu gọi tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS. Thông cáo của EU nhấn mạnh các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại của mỗi bên.

Cũng trong thông cáo, EU khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các tiến trình do ASEAN dẫn dắt trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bên thứ ba. EU mong muốn các bên sớm hoàn tất theo hướng minh bạch các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý.

EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Giới quan sát từng hoài nghi về việc EU sẽ có lập trường mạnh mẽ đối với các diễn biến mới ở biển Đông sau ấn tượng không tốt bởi việc EU đã có phản ứng khá "lặng lẽ" đối với phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) hồi tháng 7-2016 và việc các nước châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì một lập trường thống nhất mạnh mẽ đối với Trung Quốc, xuất phát từ các quan hệ kinh tế chặt chẽ của nhiều thành viên với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng kể từ cuối năm 2016, các nước EU đã theo đuổi thực hiện một chính sách đối ngoại mang tính duy lý hơn. Sự việc năm 2016 đã trở thành một hồi chuông cảnh tỉnh hữu ích, làm dấy đến một cuộc tranh luận công khai hết sức cần thiết trên toàn khu vực.

Các nhà lãnh đạo EU nhận ra rằng chính sách đối ngoại và các hoạt động theo chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã phá hoại sự thống nhất và cố kết chính trị của châu Âu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế của khối. Từ đó, các nhà lãnh đạo ở Brussels đã chuyển hướng chính sách đối ngoại sang lập trường can dự chủ động hơn.

Theo một số kênh truyền thông quốc tế, Việt Nam và EU sẽ sớm ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (Framework Participation Agreement - FPA) "vì hòa bình, hợp tác và phát triển". Nếu thành hiện thực, đây sẽ là thỏa thuận thứ tư mà EU ký với một quốc gia châu Á -Thái Bình Dương, sau Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn và những căng thẳng địa chính trị vẫn là đặc điểm nổi bật thấy nhất của phối cảnh chiến lược ở Đông Nam Á, các vấn đề an ninh hàng hải đang nổi lên đã đưa EU đến gần ASEAN hơn. Các nhà lãnh đạo ở Brussels đã nhận thấy rằng nếu muốn được nhìn nhận vai trò một cách nghiêm túc, họ phải sự khẳng định quan điểm mạnh mẽ, và có thể tiếp theo đó là những hành động cụ thể, thực tế để chứng minh khả năng đem đến sự thay đổi tích cực cho an ninh khu vực.

Nam Sơn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/eu-tai-khang-dinh-quan-ngai-ve-cac-hanh-dong-gay-cang-thang-tai-bien-dong-560237/