Đường ống và cáp ngầm dưới biển quan trọng nhưng không được bảo vệ tốt
Do nằm sâu dưới biển nên mạng lưới đường ống cùng cáp ngầm đóng vai trò 'huyết mạch' vận chuyển năng lượng và truyền tải thông tin của thế giới hiện đại thường ít được chú ý đến cho đến khi xảy ra thảm họa nghiêm trọng.
Vụ phá hoại hai đường ống khí đốt Nord Stream tuần qua cho thấy cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng không được bảo vệ tốt rất dễ bị tấn công, ẩn chứa hậu quả tiềm tàng cho nền kinh tế toàn cầu.
Giới chức Đan Mạch, Thụy Điển xác định các vụ nổ mạnh 2,1 - 2,3 độ richter (tương đương vài trăm ký thuốc nổ) khiến hai đường ống thủng nhiều lỗ, giải phóng lượng khí methane lớn kỷ lục. Chưa rõ ai đứng sau vì hành động phá hoại dưới biển rất khó phát hiện mà lại dễ phủ nhận hơn tấn công trên đất liền hay trên không.
“Huyết mạch” của thế giới
Đường ống khí đốt chỉ là phần nhỏ trong mạng lưới đường ống cùng cáp ngầm dưới biển dày đặc đang cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế, sưởi ấm các hộ gia đình và kết nối hàng tỉ người.
Công ty nghiên cứu thị trường TeleGeography (chuyên theo dõi và lập bản đồ loạt mạng lưới cáp liên lạc quan trọng) cho biết hiện có hơn 1,3 triệu cây số cáp quang, đủ sức giăng từ Trái đất đến Mặt trăng và quay lại, trải dài khắp các đại dương và biển.
Cáp quang thường chỉ to bằng ống nước tưới vườn, nhưng 97% thông tin liên lạc trên thế giới, trong đó có giao dịch tài chính trị giá hàng nghìn tỉ USD, được truyền tải qua chúng mỗi ngày.
Năm 2017 khi còn làm nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cảnh báo không có cáp quang thì cuộc sống hiện đại có thể đột ngột dừng lại, các nền kinh tế sẽ sụp đổ, chính phủ các nước gặp khó khăn trong liên lạc với nhau cũng như với quân đội.
Cáp điện cũng được đặt dưới biển. Lithuania năm 2015 cáo buộc tàu hải quân Nga nhiều lần cản trở công tác đặt đường cáp điện dưới nước này với Thụy Điển.
Dễ bị phá hoại
Vụ việc Nord Stream cho thấy tấn công cơ sở hạ tầng dưới biển rồi tẩu thoát không bị phát hiện hoàn toàn có thể thực hiện được, ngay cả ở biển Baltic đông đúc. Vùng biển này tương đối nông, hoạt động giao thông náo nhiệt, đáy biển còn sót lại bom từ hai thế chiến nên di chuyển tại đây không bị phát hiện cực kỳ khó.
Ngày 29.8, Điện Kremlin nhận xét hành động phá hoại mới xảy ra giống như một cuộc tấn công khủng bố có “bàn tay” nhà nước.
Mỗi năm xảy ra hàng chục vụ đứt cáp thông tin liên lạc, thường do tàu cá và mỏ neo tàu gây ra. Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, vị trí cáp quang không hề là bí mật, không được luật pháp quốc tế bảo vệ chặt chẽ, muốn làm hỏng chúng chẳng cần chuyên môn hay nguồn lực lớn.
Đô đốc hải quân Đan Mạch đã về hưu Torben Orting Jorgensen đánh giá: “Cơ sở hạ tầng của chúng ta quá mong manh. Vụ rò rỉ khí khiến chúng ta chú ý hơn đến lỗ hổng ở mạng internet, dây cáp điện, đường ống dẫn khí đốt”.
Chính các công ty công nghệ lớn như Meta, Amazon, Google, Microsoft thúc đẩy thiết lập mạng lưới cáp ngầm dưới biển nhằm giảm chi phí. Cựu Bộ trưởng Sunak xác định doanh nghiệp tư nhân không nghĩ đến an ninh quốc gia rộng rãi như chính phủ, nên không cảnh giác với mối đe dọa.
Người trong ngành đang kêu gọi hành động nhiều hơn nữa. Phó chủ tịch công ty lắp đặt cáp ngầm SubCom Chris Carobene đề nghị các bên liên quan hợp tác bảo vệ mạng lưới cáp, thiết lập cơ chế quản lý rủi ro để bảo vệ mạng lưới cáp rất quan trọng này.