Đừng chủ quan dù đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19!
Sau khi tỉnh chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chủ quan buông lỏng, 'phớt lờ' các biện pháp phòng, chống dịch khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Giảm nguy cơ chứ không loại bỏ triệt để dịch bệnh
Sau hơn 2 tháng triển khai, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, số ca tử vong có xu hướng tăng tại nhiều địa phương trong cả nước.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, nguyên nhân gia tăng các ca mắc trong cộng đồng là do sau khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại tăng hơn nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều có thể xảy ra. Đây là vấn đề được Ban Chỉ đạo dự báo trước.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có dấu hiệu buông lỏng, “phớt lờ” các biện pháp phòng, chống dịch vì tâm lý chủ quan khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Việc gia tăng số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trong thời gian gần đây là “hồi chuông” cảnh báo sớm cho việc nếu chủ quan thì dịch có thể bùng phát trở lại trên diện rộng bất cứ lúc nào. Bởi, việc tiêm đủ liều vắc-xin chỉ giúp hạn chế lây nhiễm, giảm nhẹ triệu chứng và tử vong, người đã tiêm vẫn có thể nhiễm Covid-19.
Tại Long An, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 có giảm nhưng số ca tử vong tăng. Các trường hợp tử vong đa số có bệnh lý nền, chủ yếu ở độ tuổi từ 50 trở lên và chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (chiếm 80%). Ghi nhận tại một số nơi công cộng tập trung đông người như chợ, công viên, các điểm vui chơi, giải trí,... vẫn còn người dân không đeo khẩu trang.
Mới đây, một gia đình ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, có 4 thành viên đều trở thành F0. Một số gia đình khác trong cùng khu phố cũng có F0. Được biết, những gia đình này thường xuyên giao lưu, trò chuyện với nhau mà không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang vì cho rằng ai cũng tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nên đã được bảo vệ an toàn.
Theo các chuyên gia, lợi ích và hiệu quả của các loại vắc-xin phòng Covid-19 được nghiên cứu kỹ lưỡng, qua thực tế đã được các nước trên thế giới và trong nước công nhận. Tuy nhiên, không một loại vắc-xin nào đạt hiệu quả 100%. Sau khi tiêm vắc-xin, người tiêm vẫn có nguy cơ bị nhiễm virút SARS-CoV-2, bởi vắc-xin chỉ làm giảm nguy cơ chứ không loại bỏ triệt để nguy cơ.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng thông tin: “Vắc-xin phòng Covid-19 là loại vắc-xin mới, chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vắc-xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Có những loại vắc-xin hiệu lực bảo vệ khoảng 90%, có loại khoảng 50-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng nhiễm virút và lây bệnh cho người khác. Những người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có. Việc tiêm vắc-xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong”.
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước và thế giới, nhất là khi biến chủng mới Omicron có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân cho rằng đã tiêm vắc-xin thì có thể thoải mái sống chung với dịch, nếu không may mắc bệnh cũng không có triệu chứng hoặc chỉ triệu chứng nhẹ sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Lễ Giáng sinh và năm mới đang gần kề, nếu người dân vẫn chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì “một đốm lửa nhỏ cũng có thể trở thành đám cháy lớn”. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành mở ra cơ hội “bình thường mới” nhưng không có nghĩa là được trở lại cuộc sống bình thường như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước - Lê Minh Tuấn cho biết: “Xác định việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị cấp bách, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, UBMTTQ Việt Nam thị trấn chủ động cùng các tổ chức thành viên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, biết cách tự phòng, chống và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, tham gia giám sát các đối tượng thuộc diện cách ly y tế tại gia đình, đồng hành cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Để góp phần giữ vững thành quả chống dịch, mỗi người dân cần tiếp tục nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt để thích ứng an toàn, linh hoạt với cuộc sống “bình thường mới”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Dung (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Có rất nhiều điều mà trước đây tôi thấy là bình thường như thường xuyên tụ tập bạn bè vui chơi, ăn uống, tham gia các hoạt động xã hội khác,… thì nay phải hạn chế, giữ khoảng cách, cân nhắc đến yếu tố an toàn về phòng dịch. Cách thức làm việc, tiêu dùng, giáo dục,... thay đổi, chuyển sang online nhiều hơn. Đặc biệt, khẩu trang vẫn là “vật bất ly thân” mỗi khi ra đường. Tôi nghĩ, mỗi người cần tự giác và nhắc nhau thực hiện nghiêm các quy định, khuyến cáo phòng, chống dịch, có như vậy mới có thể chung sống an toàn với dịch bệnh”.
Dù việc tiêm vắc-xin đã được bao phủ rộng nhưng “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 vẫn còn cam go và kéo dài. Mỗi chúng ta vẫn có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào và nguy cơ trở nặng vẫn có thể xảy ra. Do đó, khi phát hiện F0, cơ quan chức năng phải xử lý ngay để kịp thời ngăn chặn nguồn lây cho người khác. Người mắc Covid-19 cũng cần được cấp thuốc kịp thời để bệnh không chuyển nặng dẫn đến tử vong.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc-xin cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ; đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó có “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, phải được đặt lên hàng đầu. Bất kỳ sự chủ quan, lơ là khi “mở cửa” trở lại đều có thể xóa đi những thành quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch./.
Đến nay, tỉnh đã tiêm trên 2,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trên 168.000 liều vắc-xin cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về tổ chức tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc cho người từ 18 tuổi trở lên (trong đó có các trường hợp F0 đã quá 6 tháng), ưu tiên tiêm sớm mũi bổ sung cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và những người có bệnh nền, bắt đầu thực hiện từ ngày 15/12/2021.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dung-chu-quan-du-da-tiem-vac-xin-phong-covid-19--a127460.html