Đưa làng nghề lên phố
Giữa lòng phố cổ Hà Nội nhộn nhịp, có một không gian rất riêng tại 22 Hàng Buồm, nơi thời gian như chậm lại để nhường chỗ cho những thanh âm mộc mạc, bình yên từ làng quê Việt. Đó là không gian của 'làng nghề lên phố' - một hoạt động văn hóa du lịch được các nghệ nhân Hà Nội khơi nguồn và gìn giữ như một điểm đến văn hóa độc đáo dành cho du khách yêu thích bản sắc truyền thống.

Du khách tham gia trải nghiệm nghề nặn tò he truyền thống Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên
Trong không gian đậm màu ký ức ấy, du khách dễ dàng bị cuốn hút bởi hình ảnh các nghệ nhân say sưa nặn tò he, đôi bàn tay cần mẫn đan từng sợi mây, nan tre hay những con chuồn tre Thạch Xá đung đưa trên thanh gỗ nhỏ, thoảng mùi hương thơm nhè nhẹ của giấy dó, mực tàu… Không chỉ được ngắm nhìn, khách tham quan còn có thể trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm, lắng nghe câu chuyện ẩn sau mỗi sản phẩm thủ công, ở đó, từng thao tác, từng âm thanh lách cách khéo léo của đôi bàn tay đều chất chứa tâm hồn của người làm nghề.
Từ xa xưa, nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng là cái nôi của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam. Với lịch sử hơn 400 năm, nghề đan mây tre truyền thống được nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh kể câu chuyện của làng nghề đến với phố cổ bằng sản phẩm mộc mạc mà tinh xảo: giỏ xách đan tay, đèn mây, khay bánh mây tre đến những lọ hoa giản dị nhưng đầy tinh tế.
Bên cạnh đó là câu chuyện đầy cảm xúc về nghề nặn tò he truyền thống của nghệ nhân Đặng Văn Hậu - người đã đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao đến gần hơn với công chúng. Những tác phẩm đậm chất dân gian như: chiếu chèo, Thị Màu lên chùa, ngũ hổ, tứ phủ thánh cậu, tố nữ hay các con giống bột cổ thất truyền như lục súc cá vàng tam sư, tứ linh… đều khiến người xem không khỏi xúc động. Với những thế hệ Hà Nội xưa nhìn thấy những con giống bột cổ này thấy cả bầu trời ký ức ùa về, còn người trẻ là sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước nét đẹp truyền thống được lưu giữ trọn vẹn.

Du khách thích thú với sản phẩm chuồn chuồn tre Thạch Xá. Ảnh: Mộc Miên
Điều đặc biệt, không gian ấy không đơn thuần là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công, trở thành một hành trình khám phá văn hóa làng nghề Hà Nội đầy hấp dẫn. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, việc đưa nghề truyền thống Hà Nội lên phố cổ không chỉ góp phần gìn giữ làng nghề mà còn tạo điểm nhấn văn hóa độc đáo cho du lịch Hà Nội.
Những câu chuyện về làng, về hành trình làm nghề của các nghệ nhân, hay ý nghĩa của sản phẩm trong đời sống người Việt không chỉ thu hút công chúng, mà còn giúp họ trực tiếp trải nghiệm, góp phần gìn giữ những dấu ấn truyền thống. Đó là cách để vẻ đẹp văn hóa của Hà Nội và tinh hoa của cha ông được lưu truyền và lan tỏa.