Đủ năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, xử lý thế nào?

Khi đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động có thể bảo lưu đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu.

Người lao động có thể bảo lưu số năm đóng bảo hiểm xã hội đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu

Theo quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam, và tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ.

Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Năm 2024, khi người lao động chưa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng đủ năm đóng bảo hiểm xã hội thì có thể lựa chọn: Bảo lưu bảo hiểm xã hội đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu; lựa chọn nghỉ hưu sớm nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Bảo lưu bảo hiểm xã hội đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu

Theo Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, có 2 trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể:

Tại Điều 61 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Tại Điều 78 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 quy định người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định hoặc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, theo quy định tại Nghị quyết 93/2015/QH13, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ không ảnh hưởng đến việc hưởng lương hưu và không làm giảm tỷ lệ % lương hưu của người lao động.

Ngoài ra, người lao động cũng có thể lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi nếu đủ điều kiện.

Với trường hợp không bị suy giảm khả năng lao động, theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) thì người lao động thuộc các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên sẽ vẫn được hưởng lương hưu.

Với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, tại năm 2024 nếu muốn nghỉ hưu trước tuổi cần đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-nhung-chua-den-tuoi-nghi-huu-xu-ly-the-nao-post575150.antd