Du lịch bền vững Hà Nội: Hành trình xanh giữa lòng di sản

Vẻ đẹp từ di sản và thiên nhiên, ẩm thực phong phú, đặc sắc... là một trong những lý do khiến Hà Nội hấp dẫn trong mắt du khách.

Vẻ đẹp bền vững của Hà Nội không chỉ nằm ở di sản kiến trúc hay những mảng xanh đô thị, mà còn ở cách thành phố và người dân nơi đây gìn giữ, phát huy và tái tạo những giá trị ấy theo thời gian. (Nguồn: Lao động)

Vẻ đẹp bền vững của Hà Nội không chỉ nằm ở di sản kiến trúc hay những mảng xanh đô thị, mà còn ở cách thành phố và người dân nơi đây gìn giữ, phát huy và tái tạo những giá trị ấy theo thời gian. (Nguồn: Lao động)

Giữa nhịp sống hiện đại, Hà Nội vùng đất nghìn năm văn hiến vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp truyền thống và chiều sâu văn hóa. Không chỉ là thủ đô chính trị của Việt Nam, Hà Nội đang trở thành tâm điểm trong chiến lược phát triển du lịch bền vững, với sự kết hợp giữa bảo tồn di sản, phát triển kinh tế xanh, xúc tiến đầu tư và quảng bá văn hóa, ẩm thực ra toàn cầu.

Vẻ đẹp từ di sản và thiên nhiên

Hà Nội là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm, xen giữa nét hiện đại, phát triển, nhiều nơi ở Thủ đô vẫn giữ nguyên nét duyên cổ kính trong từng mái ngói rêu phong, từng con phố cổ quanh co và cả lối sống truyền thống của người Hà Thành. Không chỉ là trung tâm chính trị và hành chính, Hà Nội còn là kho tàng di sản sống động, được bảo tồn và gìn giữ như những “viên ngọc” của quá khứ.

Làng cổ Đường Lâm được ví như bảo tàng sống về làng quê đồng bằng, trung du Bắc Bộ. (Ảnh: Nina May)

Làng cổ Đường Lâm được ví như bảo tàng sống về làng quê đồng bằng, trung du Bắc Bộ. (Ảnh: Nina May)

Đầu tiên phải kể đến Quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, minh chứng sống cho một đô thị có lịch sử phát triển liên tục hơn 1.000 năm.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là biểu tượng cho nền học vấn và truyền thống tôn sư trọng đạo. Khu phố cổ Hà Nội, với kiến trúc độc đáo và lối sống truyền thống của người dân phố nghề, là “bảo tàng mở” sống động, nơi quá khứ và hiện tại cùng hiện diện.

Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, Hà Nội còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Thành phố sở hữu hàng trăm hồ lớn nhỏ, như hồ Tây, hồ Gươm, hồ Trúc Bạch…, cùng hệ thống công viên xanh trải khắp các quận nội thành, đóng vai trò như những “lá phổi” điều hòa không khí đô thị.

Đặc biệt, các vùng ven đô như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Quốc Oai… còn sở hữu cảnh quan núi rừng, đồng quê và thảm thực vật đa dạng, lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái.

Vườn quốc gia Ba Vì là một trong những điểm sáng của Hà Nội về đa dạng sinh học, với hơn 1.200 loài thực vật và 600 loài động vật, trong đó nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ.

Tại Mỹ Đức, danh thắng chùa Hương kết hợp giữa tín ngưỡng tôn giáo và thiên nhiên hùng vĩ cũng thu hút hàng triệu lượt khách hành hương và du lịch mỗi năm. Những khu vực này không chỉ giữ vai trò là điểm đến nổi bật của du khách mà còn là nơi bảo tồn cảnh quan, sinh thái bản địa một cách tự nhiên và bền vững.

Nền ẩm thực phong phú

Ẩm thực không chỉ là một phần của đời sống thường nhật, mà còn là linh hồn văn hóa của mỗi vùng đất. Với Hà Nội, nơi kết tinh của hàng nghìn năm lịch sử và giao thoa văn hóa, ẩm thực đã vượt ra khỏi phạm vi ẩm thực địa phương để trở thành một trong những biểu tượng nhận diện văn hóa rõ nét nhất của Thủ đô.

Không ngoa khi nói rằng, chính những món ăn truyền thống, mộc mạc mà tinh tế của Hà Nội đã góp phần quan trọng làm nên sức hút của du lịch nơi đây, đặc biệt trong xu hướng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm và tính bản địa.

Chả cá Lã Vọng truyền thống thường được làm từ cá Lăng tươi, do loài cá này ngọt thịt mà lại ít xương. (Nguồn: Vinpearl)

Chả cá Lã Vọng truyền thống thường được làm từ cá Lăng tươi, do loài cá này ngọt thịt mà lại ít xương. (Nguồn: Vinpearl)

Ẩm thực Hà Nội nổi bật với sự thanh nhã, cầu kỳ và cân bằng trong hương vị. Từng món ăn là kết quả của sự chọn lọc, gìn giữ và sáng tạo qua nhiều thế hệ, thể hiện sự tinh tế trong cả nguyên liệu, cách chế biến và cách thưởng thức.

Những món ăn trứ danh như phở Hà Nội, bún chả, chả cá Lã Vọng, bún thang, nem rán, hay bánh cuốn Thanh Trì… không chỉ làm hài lòng thực khách trong nước mà còn ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Trong số đó, Phở Hà Nội- một trong các “đại sứ ẩm thực” của Việt Nam nổi tiếng với hương vị đặc trưng từ nước dùng trong, ngọt thanh tự nhiên kết hợp tinh tế của gia vị truyền thống.

Bún chả Hà Nội, món ăn từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama thưởng thức trong chuyến thăm năm 2016, đã trở thành một “hiện tượng toàn cầu” gắn liền với hình ảnh thân thiện, gần gũi của đất nước và con người Việt Nam.

Không chỉ có những món ăn chính, Hà Nội còn nổi tiếng với một hệ sinh thái ẩm thực đường phố phong phú, nơi những hàng quán vỉa hè, những gánh hàng rong lại mang trong mình chiều sâu văn hóa không thua kém bất kỳ nhà hàng cao cấp nào.

Từ bánh rán, xôi xéo, chè sen, đến trà đá vỉa hè – mỗi món ăn đều gắn bó mật thiết với ký ức và lối sống của người dân thủ đô, và là điểm nhấn hấp dẫn không thể thiếu trong hành trình khám phá Hà Nội.

Động lực phát triển du lịch bền vững

Chính từ nền tảng quý giá đó, Hà Nội đang tích cực phát triển mô hình du lịch bền vững, lấy di sản và thiên nhiên làm lõi giá trị. Thay vì khai thác du lịch đại trà gây áp lực lên hạ tầng và môi trường, thành phố hướng tới mô hình du lịch có trách nhiệm – chú trọng bảo tồn, nâng cao trải nghiệm và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Các hoạt động như tôn tạo di tích, chỉnh trang khu phố cổ, mở rộng không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, hay phát triển hệ thống du lịch sinh thái ở Ba Vì, Mỹ Đức… là những bước đi cụ thể thể hiện tầm nhìn này.

Du khách nước ngoài đến Hà Nội. (Nguồn: Vietnamnet)

Du khách nước ngoài đến Hà Nội. (Nguồn: Vietnamnet)

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống như Bát Tràng (gốm), Vạn Phúc (lụa), Đào Thục (rối nước), Chuông (nón) cũng đang chuyển mình mạnh mẽ khi kết hợp gìn giữ kỹ năng thủ công với phát triển du lịch trải nghiệm. Du khách không chỉ tham quan mà còn được tương tác, học nghề, hiểu sâu về văn hóa làng nghề – một mô hình mang lại giá trị kép: vừa bảo tồn, vừa sinh lợi.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong ba tháng đầu năm 2025, Hà Nội đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó có 1,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 29.930 tỷ đồng tăng so với cùng kỳ 2024 khoảng 5.000 tỷ đồng (tăng 11,3%).

Đặc biệt, trong tháng 3-2025, Hà Nội đón 2,61 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 709.000 lượt, đạt doanh thu gần 11.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy, du lịch bền vững không chỉ là xu hướng, mà đang trở thành động lực tăng trưởng thực tế của ngành du lịch thủ đô.

Hà Nội cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ xanh, xây dựng hạ tầng du lịch thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa và thúc đẩy văn hóa ứng xử nơi công cộng. Người dân được khuyến khích tham gia vào các sáng kiến “du lịch cộng đồng”, trong đó chính họ là chủ thể truyền tải văn hóa địa phương đến du khách.

Vẻ đẹp bền vững của Hà Nội không chỉ nằm ở di sản kiến trúc hay những mảng xanh đô thị, mà còn ở cách thành phố và người dân nơi đây gìn giữ, phát huy và tái tạo những giá trị ấy theo thời gian.

Đó là một Hà Nội vừa cổ kính vừa năng động, vừa tĩnh lặng vừa bừng sức sống - một điểm đến hấp dẫn đang từng ngày chứng minh rằng: phát triển du lịch không đồng nghĩa với đánh đổi, mà có thể hài hòa giữa bảo tồn và hiện đại, giữa con người và thiên nhiên.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện đang thúc đẩy các tour du lịch ẩm thực kết hợp làng nghề, tour nấu ăn cùng đầu bếp bản địa và đặc biệt là mô hình ẩm thực xanh - sử dụng nguyên liệu hữu cơ, bản địa, thân thiện môi trường. Ngoài ra, các nhà hàng tại Hà Nội bắt đầu hưởng ứng phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng bao bì sinh học, lọ thủy tinh, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn vệ sinh và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hợp tác để phát triển du lịch bền vững

Hà Nội, với vị thế là thủ đô và trung tâm văn hóa của Việt Nam, đã tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển du lịch bền vững. Những nỗ lực này không chỉ nâng cao hình ảnh của thành phố trên bản đồ du lịch thế giới mà còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa địa phương.

Khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025. (Nguồn: VGP)

Khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025. (Nguồn: VGP)

Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều thành phố và quốc gia nhằm thúc đẩy du lịch bền vững. Ví dụ, thành phố đã ký kết hợp tác với 16 thành phố từ các nước như Campuchia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Phần Lan, Nga, Romania, Australia, Nhật Bản và Thái Lan.

Những chương trình hợp tác này đã góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến, nâng cao vị thế của Hà Nội trên bản đồ du lịch thế giới và mở ra cơ hội giao lưu, kết nối để thu hút khách quốc tế.

Năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội và Traveloka, nền tảng du lịch hàng đầu Đông Nam Á, đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Theo MoU này, Traveloka tham gia tư vấn nội dung trong "Kế hoạch Du lịch Hà Nội" đến năm 2025 và tích cực tham gia vào các chiến dịch quảng bá để đưa Hà Nội trở thành điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

Không chỉ đối ngoại, Sở Du lịch Hà Nội đã ký kết 9 chương trình hợp tác phát triển du lịch với các Sở Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch của hàng chục địa phương. Những thỏa thuận hợp tác chặt chẽ và lâu dài này đã tạo nên sự đột phá trong việc thu hút du khách giữa các vùng, góp phần phát triển du lịch chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng; đóng góp của ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt trên 8%.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô .

Những nỗ lực hợp tác của Hà Nội đã và đang đóng góp quan trọng vào việc phát triển du lịch bền vững, nâng cao vị thế của thành phố trên trường quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Mỹ Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-lich-ben-vung-ha-noi-hanh-trinh-xanh-giua-long-di-san-311230.html