Dự kiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới năm 2025

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định tờ trình Chính phủ về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán điện

Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã hiệu chỉnh và hoàn thành Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán điện và tờ trình, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng giá như khách hàng sản xuất

Theo dự thảo mới nhất, giá bán lẻ điện đã điều chỉnh, tách khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" với các khách hàng kinh doanh khác và được áp dụng cơ cấu biểu giá ngang bằng với khách hàng sản xuất.

Với 7/18 ý kiến chọn Phương án 1 (Phần chênh lệch doanh thu bán điện thiếu hụt, do bổ sung nhóm khách hàng cơ sở lưu trú du lịch vào giá sản xuất, được bù vào giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm sản xuất), cùng với tính toán đề xuất của EVN và đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương cho rằng có thể áp dụng ngay Phương án 1 để đảm bảo lộ trình từng bước tính đúng, tính đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất, theo đó phần thiếu hụt doanh thu theo cập nhật số liệu năm 2023 do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù từ giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất làm tăng cơ cấu giá bán lẻ điện ngành sản xuất từ 1% đến 2% so với giá bán lẻ điện bình quân và các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá điện từ 2,41% đến 3,34% đối với các ngành sản xuất.

Đồng thời hiệu chỉnh nội dung về quy định cấp điện áp cho phù hợp với Luật Điện lực mới. Theo đó gộp giá bán điện theo các cấp điện áp để phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Điện lực năm 2024 và thực tế phát triển lưới điện tại các Tổng công ty Điện lực, cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Quyết định như sau:

“2. Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp (cao áp là cấp điện áp danh định trên 35 kV (bao gồm cấp điện áp từ trên 35 kV đến dưới 220 kV và cấp điện áp đến 220 kV), trung áp là cấp điện áp danh định trên 01 kV đến 35 kV, hạ áp là cấp điện áp danh định đến 01 kV) áp dụng cho các nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp”.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung nhóm khách hàng sản xuất tại cấp điện áp 220 kV. Theo báo cáo của EVN, các khách hàng hiện đang mua điện tại cấp điện áp 220 kV và 500 kV (đấu nối lưới điện truyền tải) là các nhà máy điện (mua điện từ lưới phục vụ cho tự dùng, khởi động…). Dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm khách hàng mua điện tại cấp điện áp đến 220 kV phục vụ mục đích sản xuất. Những khách hàng mua điện tại cấp điện áp đến 220 kV không sử dụng lưới điện phân phối (đến 110 kV) nên việc bổ sung nhóm khách hàng này vào Dự thảo Quyết định trên cơ sở phân bổ chi phí sản xuất, kinh doanh điện, không bao gồm chi phí của khâu phân phối, bán lẻ điện là phù hợp với nguyên tắc đảm bảo giá điện phản ánh đúng chi phí.

Theo số liệu thống kê kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện giai đoạn 2010 - 2023, giá thành tại cấp điện áp 220 kV chiếm 84,6% giá thành bình quân. Trên cơ sở phân bổ chi phí tại các giờ cao thấp điểm vào giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì cơ cấu giá bán lẻ điện tại cấp điện áp đến 220 kV sẽ được áp dụng ở 3 khung giờ gồm:

- Giá điện giờ bình thường: 84% giá bán lẻ điện bình quân;

- Giá điện giờ thấp điểm: 53% giá bán lẻ điện bình quân;

- Giá điện giờ cao điểm: 146% giá bán lẻ điện bình quân.

Giá điện năm 2025 cho nhóm khách hàng sinh hoạt có thể thay đổi (Ảnh minh họa)

Giá điện năm 2025 cho nhóm khách hàng sinh hoạt có thể thay đổi (Ảnh minh họa)

Về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt

Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của EVN và Tư vấn nhưng có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân (tại khoản 4 Điều 3 và Phụ lục Dự thảo Quyết định), cụ thể: Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2: cho kWh từ 101 - 200; Bậc 3: cho kWh từ 201 - 400; Bậc 4: cho kWh từ 401 - 700; Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên.

Biểu giá dự kiến cho khách hàng sinh hoạt

Biểu giá dự kiến cho khách hàng sinh hoạt

Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Ngoài ra, giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh cũng được giữ nguyên.

Song, giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế tăng cơ cấu giá bán điện nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp và khuyến khích tiết kiệm trong sử dụng điện.

Như vậy, so với giá điện sinh hoạt hiện tại, những khách hàng dùng từ 400 số trở lên sẽ phải chịu giá điện cao hơn.

Bảng 1: Phương án 5 bậc có hiệu chỉnh so sánh với cơ cấu tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg

Giá điện riêng cho khách hàng sạc xe điện

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương xây dựng 03 Phương án về cơ cấu giá bán lẻ điện áp dụng cho mục đích trạm, trụ sạc xe điện như sau:

+ Phương án 1: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá kinh doanh (theo ý kiến của EVN). Phương án này có thể có tác động (không tích cực) tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện, đồng thời chưa phản ánh đúng chi phí của khách hàng trạm, trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện, tiếp tục tạo ra bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng.

+ Phương án 2: Áp dụng giá điện cho mục đích kinh doanh cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện theo cơ cấu giá bán lẻ điện mới tại Phụ lục của Dự thảo Quyết định có tính đến đặc điểm sử dụng điện của nhóm khách hàng này khác với các khách hàng kinh doanh khác. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 mà phụ tải của trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện (biểu đồ phụ tải điển hình trạm/trụ sạc xe điện) nên đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng sử dụng điện, không có bù chéo giá điện giữa nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện và các nhóm khách hàng còn lại. Theo kết quả tính toán, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện thấp hơn mức cơ cấu áp dụng cho khách hàng kinh doanh và cao hơn mức cơ cấu áp dụng cho khách hàng sản xuất.

+ Phương án 3: Áp dụng giá điện cho mục đích sạc xe điện theo giá sản xuất (theo ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast; Công ty CP sản xuất và kinh doanh Vinfast). Phương án này có thể có tác động (tích cực) tới chính sách phát triển xe điện do làm giảm chi phí sạc điện, tuy nhiên sẽ gây ra tác động tới cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do việc áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với mục đích sạc xe điện thấp hơn sẽ dẫn tới việc tăng giá điện cho các nhóm khách hàng khác để cân đối lại doanh thu. Điều này có nghĩa là thực hiện bù chéo từ các nhóm khách hàng khác cho nhóm khách hàng trạm, trụ sạc xe điện.

So sánh chênh lệch giữa áp dụng phương án giá riêng cho trạm, trụ sạc xe điện với phương án áp dụng giá theo giá sản xuất và kinh doanh

So sánh chênh lệch giữa áp dụng phương án giá riêng cho trạm, trụ sạc xe điện với phương án áp dụng giá theo giá sản xuất và kinh doanh

Phân tích từ cơ quan chức năng cho thấy, nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá sản xuất sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả ít hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 552 đ/kWh - 699 đ/kWh tùy cấp điện áp; nếu áp dụng giá điện cho trạm sạc theo giá kinh doanh sẽ làm cho khách hàng trạm, trụ sạc xe điện phải trả nhiều hơn chi phí thực tế gây ra cho hệ thống điện bình quân khoảng từ 467 đ/kWh - 587 đ/kWh tùy cấp điện áp.

Như vậy, Phương án 1 và 3 sẽ tiếp tục làm phát sinh bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện, khi triển khai áp dụng có thể sẽ không phù hợp với chủ trương được quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (“không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng”) và lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 50 Luật Điện lực 2024. Phương án 2 được xây dựng trên cơ sở giá bán điện phản ánh chi phí của nhóm khách hàng sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện. Căn cứ phân tích nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét lựa chọn áp dụng theo Phương án 2.

Bỏ khoản 5 Điều 3 quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước, bổ sung khoản 6 Điều 3 giá bán lẻ điện có nhiều thành phần

Bổ sung khoản 6 Điều 3 quy định về “Trường hợp gía bán lẻ điện có nhiều thành phần áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ” với lý do sau đây: cơ cấu tại Dự thảo Quyết định hoàn toàn là cơ cấu giá điện năng, khi áp dụng cơ chế giá bán lẻ điện nhiều thành phần sẽ có thêm thành phần giá công suất hoặc cố định trong cơ cấu biểu giá dưới dạng đồng/kW hoặc đồng/kVA mà không được thể hiện dưới dạng cơ cấu (%) so với giá bán điện bình quân. Do đó, để phù hợp với lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 50 Luật Điện lực 2024 thì cần bổ sung quy định nêu trên để đảm bảo cơ sở pháp lý áp dụng và thực hiện giá bán lẻ điện sau này.

Bỏ khoản 5 Điều 3 quy định về “Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước” do không khả thi về công nghệ đo đếm điện năng trong thực tế áp dụng giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay. Khi nào hình thức này được nghiên cứu triển khai thực tế tại Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tính toán trên cơ sở số liệu thực tế để đề xuất bổ sung cơ cấu giá bán lẻ điện cho loại hình này.

Bên cạnh đó, dự thảo Quyết định cũng điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng khác để đảm bảo giá điện bình quân không đổi, mức độ điều chỉnh nhỏ, chủ yếu điều chỉnh giảm cơ cấu giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện cơ sở lưu trú du lịch trong nhóm khách hàng kinh doanh; cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích sản xuất tăng nhỏ trong phạm vi 2% nên ít ảnh hưởng.

Đồng thời, "Hộ nghèo theo tiêu chí của quy định pháp luật có liên quan trong từng thời kỳ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành".

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-kien-co-cau-bieu-gia-ban-le-dien-moi-nam-2025-369151.html