Du khách Ba Lan đổ xô đi chiêm ngưỡng hoa xác thối

Một bông hoa Sumatra Titan arum, hay còn được gọi là hoa xác thối, đã nở tại vườn bách thảo ở Warsaw, Ba Lan, thu hút đám đông đã chờ đợi hàng giờ để chiêm ngưỡng.

Loài hoa phát ra mùi xác chết nồng nặc để thu hút côn trùng thụ phấn ăn thịt, đã nở rộ vào ngày 13/6 tại Vườn Bách thảo Đại học Warsaw, theo AP. Bông hoa héo đi chỉ một ngày sau đó.

Hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người, đã xếp hàng dài đến đêm 13/6 và sáng ngày hôm sau chỉ để có thể đi ngang qua bông hoa và chụp ảnh. Những người muốn tránh mùi hôi và đám đông có thể ngắm nhìn bông hoa trên video trực tiếp từ Vườn Bách thảo Đại học Warsaw.

 Rất đông du khách đổ xô đến Vườn Bách thảo Đại học Warsaw để ngắm nhìn bông hoa xác thối. Ảnh: AP.

Rất đông du khách đổ xô đến Vườn Bách thảo Đại học Warsaw để ngắm nhìn bông hoa xác thối. Ảnh: AP.

Còn được biết đến với cái tên Amorphophallus titanum, hoa xác thối có chùm hoa không phân nhánh lớn nhất trên thế giới, có thể cao tới 3 m.

Chùm hoa của hoa xác thối bao gồm 1 bông mo được cấu thành bởi các hoa nhỏ, có mùi và một mo bao quanh trông giống như một cánh hoa. Mo có chu vi khoảng 3 m, màu xanh nhạt và có đốm trắng bên ngoài, màu đỏ thẫm bên trong. Bông mo cao khoảng 2 m, màu vàng xỉn, phình to ở phía dưới gốc và rỗng bên trong.

 Thông thường phải mất 7 năm để nở hoa, thậm chí, một số hoa xác thối vài thập kỷ mới nở một lần. Ảnh: AP.

Thông thường phải mất 7 năm để nở hoa, thậm chí, một số hoa xác thối vài thập kỷ mới nở một lần. Ảnh: AP.

Hoa xác thối chỉ mọc hoang trong các khu rừng nhiệt đới của Sumatra, nhưng đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn phá rừng ở đây. Việc trồng trọt tại các vườn thực vật, nơi chúng là một điểm thu hút du khách lớn, đã giúp bảo tồn loài hoa này.

Hoa xác thối được phát hiện lần đầu tiên ở Sumatra, Indonesia vào năm 1878 bởi nhà thực vật học người Italy Odoardo Beccari. Lần đầu tiên Sumatra Titan arum được biết đến nở bên ngoài đảo Sumatra là vào năm 1889 tại Vườn Bách thảo Hoàng gia của London ở Kew.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-khach-ba-lan-do-xo-di-chiem-nguong-hoa-xac-thoi-post1227368.html