Đột phá trong cải cách hành chính

Sau nhiều nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Kiên Giang đã gặt hái được 'trái ngọt'. Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tăng 22 bậc so năm 2021. Kết quả này tạo thêm động lực cho tỉnh đột phá hơn trong cải cách hành chính, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

NỖ LỰC VƯỢT BẬC

Liên tục từ năm 2019 đến năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của Kiên Giang bị tụt hạng và nằm ở nhóm thấp, thậm chí có năm xếp hạng thấp nhất cả nước. Trước tình hình này, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, mời các chuyên gia phân tích, đánh giá thực trạng và khuyến nghị các giải pháp để Kiên Giang cải thiện chỉ số cải cách hành chính.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang quyết liệt và đổi mới trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh diễn ra ngày 29-7-2023, trả lời chất vấn của đại biểu đề cập về giải pháp nâng thứ hạng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, đồng chí Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, rà soát tổng thể toàn bộ năm 2021 đã làm được gì và điểm nào chưa được rồi đề ra giải pháp. Tỉnh tập trung giải quyết tốt vấn đề cải cách hành chính, công khai, minh bạch, đổi mới công tác tuyên truyền làm sao nâng cao được nhận thức vai trò của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ…”.

Đoàn viên, thanh niên xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ảnh:THỦY TIÊN

Nhìn thẳng sự thật, nhận định đúng nguyên nhân, tìm ra điểm yếu, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, cải thiện và nâng cao các chỉ số cải cách hành chính cùng các chỉ số liên quan. Tỉnh duy trì việc thành lập đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính đến làm việc với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và xã, từ đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.

Nhận thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành công trong công tác cải cách hành chính nên trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy vai trò và quyết liệt trong chỉ đạo công tác này. Ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp và các sở, ngành được củng cố và kiện toàn, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là trưởng ban chỉ đạo. Việc họp giao ban chỉ đạo cải cách hành chính được tỉnh duy trì để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh và của từng ngành, địa phương.

Các cơ quan tham mưu công tác cải cách hành chính tích cực, có đổi mới, sáng tạo trong công việc. Các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng đồng lòng, quyết tâm cải cách.

Với nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cùng những việc làm thiết thực đã giúp Kiên Giang từ xếp thứ hạng thấp nhất cả nước về chỉ số cải cách hành chính vươn lên xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so năm 2021; trong đó, 2 lĩnh vực xếp thứ hạng cao so với cả nước là cải cách tổ chức bộ máy xếp hạng 1 và cải cách thể chế xếp hạng 5.

NÂNG MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Sáng thứ hai, khá đông người dân đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP. Hà Tiên (Kiên Giang) thực hiện thủ tục hành chính. Sự hướng dẫn tận tình, phục vụ chu đáo của các cán bộ, công chức nơi đây giúp người dân nhanh chóng điền xong các thông tin trong hồ sơ. Vừa thực hiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai, bà Trần Thị Khéo, ngụ khu phố 5, phường Bình San (TP. Hà Tiên) nói: “Cán bộ niềm nở, hướng dẫn tận tình, liệt kê từng loại giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục, tôi rất hài lòng”.

TP. Hà Tiên được tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022. Nhiều năm liền chỉ số cải cách hành chính của thành phố dẫn đầu toàn tỉnh. Đồng chí Mai Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên cho biết thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính. UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Với tinh thần lấy người dân, tổ chức làm trung tâm phục vụ, Kiên Giang chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đi đôi với tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thông - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Song song đó, tăng cường tuyên truyền và phân công công chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ, nhất là hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (ở 3 cấp), qua dịch vụ bưu chính công ích và trực tuyến. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của tỉnh giảm nhiều so với quy định.

Theo kết quả công bố xếp loại chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 19-4-2023, chỉ số SIPAS năm 2022 của Kiên Giang đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2021; trong đó, mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công là 83,07%.

Chỉ số cải cách hành chính và SIPAS được cải thiện đáng kể làm tiền đề quan trọng để Kiên Giang bứt phá trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Kiên Giang đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì nhóm khá về 2 chỉ số PAR INDEX và SIPAS.

TÚ LY - THANH BÌNH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-quyen/dot-pha-trong-cai-cach-hanh-chinh-18833.html