Đồng hành hướng tới phát triển bền vững

Sự xa cách về địa lý không thể ngăn cản những bước tiến vững chắc, hiệu quả trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU), tháng 12/2022. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU), tháng 12/2022. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Với tiềm năng hợp tác ngày càng lớn trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ cao…, sự kết nối chặt chẽ giữa Việt Nam và châu Âu vừa giúp nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế, vừa đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Việt Nam và Thụy Sĩ đã chứng kiến hơn nửa thế kỷ hợp tác tốt đẹp về nhiều mặt, dù bối cảnh thế giới có không ít chuyển biến phức tạp sâu sắc, với các cơ hội, thách thức đan xen. Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân về mối quan hệ bền chặt này, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass nhấn mạnh, Thụy Sĩ tự hào là đối tác trong tiến trình xây dựng nền kinh tế phát triển nhanh chóng và năng động của Việt Nam. Kể từ đầu những năm 1990, về khía cạnh hợp tác phát triển, Thụy Sĩ đã cung cấp khoản tài trợ trị giá hơn 650 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế.

Hợp tác giữa hai bên đã chuyển từ hỗ trợ theo kiểu truyền thống sang hợp tác phát triển kinh tế. Đánh giá Việt Nam là một đối tác chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Đại sứ Thomas Gass nêu rõ, các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, trong đó có mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã thể hiện cam kết của Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho các nỗ lực toàn cầu hướng tới phát triển bền vững.

Theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập, Thụy Sĩ có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Là hội nghị quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của WEF hằng năm và thu hút đông đảo đại biểu từ khắp nơi trên thế giới tham dự, Hội nghị thường niên WEF tại Davos (Thụy Sĩ) là nơi các nhà lãnh đạo toàn cầu trao đổi, đề xuất các ý tưởng quan trọng, góp phần định hình xu hướng hợp tác và xử lý những vấn đề toàn cầu.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của WEF. Tháng 6/2023, Việt Nam và WEF ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2026, tạo nền tảng cho sự kết nối chặt chẽ hơn trong giai đoạn mới.

Chủ đề Hội nghị WEF Davos năm 2025 là “Hợp tác vì kỷ nguyên thông minh”. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 10/2024, Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF từng nhận định, “thời đại thông minh” không chỉ là một khái niệm trừu tượng, đó là một thực tế mà những người trẻ tuổi của Việt Nam sẽ sống, lao động và học tập trong đó.

Bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước sự năng động, mau chóng bắt kịp xu thế công nghệ thông minh của thế hệ trẻ Việt Nam, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng đây là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn Việt Nam cần tiếp tục phát huy để đạt được các mục tiêu phát triển chiến lược.

Bên cạnh Thụy Sĩ, Liên minh châu Âu (EU) cũng là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước EU, trong đó có Séc và Ba Lan - hai quốc gia có sợi dây gắn kết khăng khít với Việt Nam từ nhiều thập niên trước. Dù xa cách về mặt địa lý, Séc và Ba Lan từng dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu về vật chất và tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Năm 2025 đánh dấu chặng đường 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Séc và Ba Lan. Với hành trang là truyền thống hữu nghị, hợp tác chân thành, Việt Nam đang nỗ lực đưa quan hệ với hai quốc gia Trung Đông Âu này phát triển lên tầm cao mới, trong đó tập trung khai thác tiềm năng hợp tác trong những lĩnh vực mới như: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, khai khoáng…

Tăng trưởng xanh là xu thế toàn cầu và là lựa chọn tất yếu để Việt Nam, quốc gia châu Á đang chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là lĩnh vực thế mạnh của nhiều nước châu Âu. Mối quan hệ bền chặt được vun đắp trong nhiều năm qua chính là nền tảng vững chắc để Việt Nam và các đối tác châu Âu thành công mở rộng cánh cửa hợp tác sang nhiều lĩnh vực mới tiềm năng, hướng tới tương lai thịnh vượng bền vững cho các nước.

Thu Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-hanh-huong-toi-phat-trien-ben-vung-post856224.html