Đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19
Đồng đô la Mỹ vừa trải qua tuần giảm giá mạnh nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhu cầu trú ẩn tài sản ở đồng bạc xanh có thể chưa kết thúc.
Chỉ số đô la Mỹ giao ngay Bloomberg, đo lường biến động giá đô la Mỹ so với 10 loại tiền tệ mạnh khác trên toàn cầu, giảm khoảng 3,5% trong tuần này, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3-2020.
Các nhà đầu tư đã cắt giảm đặt cược vào đồng đô la Mỹ sau khi dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy đà tăng lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dịu lại trong tháng 10, mở ra hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kìm hãm tốc độ thắt chặt tiền tệ trong tháng tới.
Chỉ số đồng đô la giao ngay Bloomberg hiện thấp hơn 6% so với mức đỉnh kỷ lục được thiết lập vào cuối tháng 9. Trong khi các diễn biến mới trên thị trường tiền tệ cho thấy đồng bạc xanh có thể tiếp tục chịu áp lực trong những tuần tới khi giới đầu tư tăng cường đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn, những bên tham gia thị trường vẫn thận trọng cho rằng xu hướng tăng giá của đô la Mỹ sẽ tiếp tục trong dài hạn.
Các nhà phân tích của Ngân hàng ING nhận định: “Đồng đô la Mỹ có thể đã đạt đỉnh nhưng xu hướng giảm giá dài hạn có thể chưa xuất hiện”. Họ vẫn đánh giá rằng có khả năng đô la Mỹ sẽ tăng giá trở lại vào cuối năm.
Chỉ số đô la Mỹ giao ngay Bloomberg đã tăng hơn 22% từ mức thấp giữa năm 2021, lên mức cao nhất vào tháng 9-2022. Và ngay cả khi trải qua những đợt giảm gần đây, chỉ số này vẫn cao hơn 14% so với điểm thấp nhất của năm ngoái. Sức mạnh của đô la Mỹ đã lan tỏa khắp các thị trường, làm trầm trọng thêm chi phí hàng hóa tính bằng đô la Mỹ như dầu mỏ và làm phức tạp thêm chính sách trên toàn thế giới. Chứng khoán và trái phiếu Mỹ tăng trong tuần này khi đồng đô la Mỹ trượt giá.
Các nhà chiến lược tại Ngân hàng MUFG của Nhật Bản nói rằng đồng đô la Mỹ yếu hơn là điều hợp hợp lý, đồng thời cho biết mức giảm giá mạnh của đô la Mỹ trong tuần qua cho thấy các nhà đầu tư sẽ cắt giảm các khoản đặt cược quá lớn vào đồng tiền này. Thay vào đó, các quỹ đầu tư tiền tệ đã đổ xô mua đồng yen, giúp đồng nội tệ của Nhật Bản tăng hơn 5% trong tuần này sau khi chạm mức thấp nhất trong ba thập niên vào chưa đầy một tháng trước.
Nhà chiến lược tiền tệ Lee Hardman đã so sánh việc bán tháo đồng đô la Mỹ giống như một sợi dây đàn hồi được kéo căng theo một hướng, “và khi bạn buông tay, bạn sẽ nhận được phản ứng lớn hơn theo hướng khác”.
Với quy mô lớn của các khoản đặt cược vào đô la Mỹ đã được tích lũy trong năm nay, ông nhận thấy có khả năng đồng bạc xanh sẽ giảm thêm 2-3% nữa trước khi kết thúc năm nay. Điều đó có thể đưa tỷ giá đô la Mỹ/yen xuống còn 1 ăn 130 so với 1 ăn 139 vào thời điểm hiện tại. Trong khi đó, tỷ giá euro/đô la Mỹ đã tăng lên mức 1 euro ăn 1,05 đô la so với mức hiện tại là 1 euro ăn 1,036 đô la.
Nhưng với rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và đà tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, có thể là quá sớm để bán mạnh đồng đô la Mỹ, vốn thường được coi là nơi trú ẩn tài sản an toàn trong thời kỳ khó khăn.
Hardman nói: “Bây giờ, rủi ro là đô la Mỹ bị bán tháo quá mức vì chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Fed còn lâu mới kết thúc”. Các nhà đầu tư sẽ chú ý đến bất kỳ tín hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt, có thể cho phép Fed giảm tốc độ tăng lãi suất sau các đợt tăng mạnh.
Hardman nhận định đồng đô la Mỹ chỉ bị bán tháo mạnh hơn nếu thị trường tin rằng lạm phát của Mỹ đang giảm nhanh chóng và suy đoán rằng Fed có thể cần giảm lãi suất để tránh các rủi ro suy thoái. Nếu kinh tế suy thoái, nhu cầu trú ẩn tài sản ở đồng bạc xanh sẽ tăng trở lại.
“Fed có khả năng nhắc nhở thị trường rằng lạm phát cơ bản vẫn cao hơn ba lần so với mục tiêu 2% và vẫn còn dai dẳng. Vì vậy, một số hoạt động bán tháo đô la Mỹ và sự gia tăng khẩu vị với các tài sản rủi ro có thể là sai lầm”, Jane Foley, nhà chiến lược tại Ngân hàng Rabobank, nói.
Theo Bloomberg
Khánh Lan