Đòn bẩy tài chính cho đối tượng chính sách

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Với 23 chương trình vay được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, hàng chục nghìn khách hàng trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất, tạo việc làm và các nhu cầu phúc lợi khác.

 Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân đầu tư cải thiện sản xuất, kinh doanh

Vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân đầu tư cải thiện sản xuất, kinh doanh

Cánh tay nối dài cho người yếu thế

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chú trọng thực hiện các giải pháp tín dụng chính sách, tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, đã trợ giúp người nghèo chủ yếu bằng cách cho vay vốn ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn, tạo việc làm, thu nhập ổn định... Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng, nhất là tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tính đến đầu tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện 23 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dư nợ trên 4.750 tỷ đồng và hơn 16.600 khách hàng còn dư nợ. Riêng năm 2024, qua tham mưu, đề xuất của Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn 40 tỷ đồng từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp khoảng 60.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hơn 20.000 lao động được vay vốn tạo việc làm; khoảng 900 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; gần 2.000 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; hơn 1.200 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; hơn 57.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới...

Suất đầu tư bình quân/hộ được nâng từ 36,5 triệu đồng/hộ (năm 2021) lên 45,3 triệu đồng/hộ (năm 2023) đã giúp nhiều hộ nghèo và người lao động đảm bảo đầu tư, trang trải chi phí sản xuất, sinh hoạt, góp phần làm thay đổi đời sống của các gia đình yếu thế cũng như bộ mặt nông thôn mới càng được khởi sắc.

Theo điều tra khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hàng chục ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách nhờ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, nên thu nhập của gia đình ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Nhiều hộ có thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng, đặc biệt có hộ thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng, nên không những thanh toán được nợ vay mà còn tích lũy để sửa chữa, xây dựng nhà mới và mua sắm các vật dụng thiết yếu cho gia đình.

Thắt chặt kết nối

Đại diện NHCSXH tỉnh cho biết, trên 99% dư nợ hiện nay của NHCSXH được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Nguồn vốn tín dụng chính sách đến kịp thời với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua mạng lưới hoạt động Điểm giao dịch xã được đặt tại 141 xã, phường, thị trấn, với 2.330 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động theo từng địa bàn thôn, bản, tổ dân phố. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận vốn vay thuận lợi với nhiều ưu đãi về phục vụ và được tiếp cận các dịch vụ tiện ích về lãi suất cho vay, không phải thế chấp tài sản, thủ tục vay vốn đơn giản, hồ sơ cho vay được NHCSXH cấp miễn phí, giao dịch với NHCSXH ngay tại điểm giao dịch xã nơi hộ vay sinh sống..

Với việc đầu tư các nguồn vốn tín dụng chính sách đã gắn kết cấp ủy chính quyền địa phương, các hội đoàn thể với Nhân dân, thu hút các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hoạt động đoàn thể. Cụ thể, NHCSXH đã chủ động phối hợp với UBND và các tổ chức hội đoàn thể cấp xã trong việc thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách kết hợp với lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm.

Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và sâu sát này đã giúp cho người vay đầu tư vốn đúng mục đích và có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất việc cho vay nặng lãi ở nông thôn, tín dụng đen, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, các tệ nạn xã hội trên địa bàn, thu hẹp khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn.

Hiệu quả mang lại rõ nét nhất là đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hộ thoát nghèo một cách bền vững, đời sống sinh hoạt và học tập của con em các hộ gia đình là hộ nghèo và các đối tượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện và đi lên. Thành quả từ tín dụng chính sách cho vay và sự nỗ lực của người dân đã đưa tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm từ 4,93% (đầu năm 2021) xuống còn 2,27% (cuối năm 2023) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH khẳng định, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh. Vốn tín dụng chính sách thực sự là "cần câu", "phao cứu sinh" trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Chính sách tín dụng này còn là một trong những trợ lực quan trọng để tỉnh đạt mục tiêu giảm số hộ nghèo từ 7.540 hộ xuống còn 5.945 hộ, với tỷ lệ 1,76% vào cuối năm 2024.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/don-bay-tai-chinh-cho-doi-tuong-chinh-sach-147294.html