Đổi từ CCCD sang thẻ căn cước từ 01/7/2024: Những trường hợp nào cần lưu ý?

Từ ngày 01/7/2024, không bắt buộc công dân phải đổi từ căn cước công dân (CCCD) sang thẻ căn cước (TCC), tuy nhiên nếu công dân thuộc các trường hợp nêu dưới đây thì bắt buộc phải đổi từ CCCD sang TCC. Qua bài viết này, người dân cần lưu ý về một số hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Căn cước, liên quan đến TCC, giấy chứng nhận căn cước (GCNCC)…

Các trường hợp được cấp đổi sang TCC

Theo Điều 46 Luật Căn cước (Luật số: 26/2023/QH15) quy định như sau: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang TCC. CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp. Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Quy định về việc sử dụng CCCD, CMND trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với TCC quy định tại luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Công an TPHCM thực hiện thủ tục cấp CCCD cho công dân tại địa phương

Công an TPHCM thực hiện thủ tục cấp CCCD cho công dân tại địa phương

Cũng theo quy định trên thì từ ngày 01/7/2024, nếu CCCD hết hạn, công dân bắt buộc phải đổi từ CCCD sang TCC. Điều 24 Luật Căn cước quy định các trường hợp cấp đổi TCC bao gồm: Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của luật này; Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật; Có sai sót về thông tin in trên TCC; Theo yêu cầu của người được cấp TCC khi thông tin trên TCC thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân; Khi người được cấp TCC có yêu cầu. Cùng với đó, các trường hợp cấp lại TCC bao gồm: Bị mất hoặc TCC bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của luật này; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Căn cước

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Căn cước là một trong những quy định người dân cần lưu ý. Tại Điều 7 Luật Căn cước đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi TCC, GCNCC trái quy định của pháp luật. Giữ TCC, GCNCC trái quy định của pháp luật. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) và Cơ sở dữ liệu căn cước (CSDLCC).

Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong CSDLQG về DC và CSDLCC; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong CSDLQG về DC, CSDLCC. Không thực hiện thủ tục cấp TCC theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của luật này. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin CSDLQG về DC và CSDLCC, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung TCC, căn cước điện tử, GCNCC; chiếm đoạt, sử dụng trái phép TCC, căn cước điện tử, GCNCC của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại TCC, GCNCC; sử dụng TCC giả, căn cước điện tử giả, GCNCC giả.

Từ ngày 01/7/2024, mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan Công an khi công dân đến làm thẻ căn cước mới

Từ ngày 01/7/2024, mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan Công an khi công dân đến làm thẻ căn cước mới

Một hành vi bị cấm nữa là truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong CSDLQG về DC, CSDLCC, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật. Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong CSDLQG về DC, CSDLCC, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Thu thập sinh trắc học mống mắt khi công dân làm TCC

Cũng theo Bộ Công an, từ ngày 01/7/2024, sinh trắc học mống mắt sẽ được thu thập tại cơ quan Công an cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp TCC.

Theo đó, Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Căn cước có 7 chương, 46 điều. Trong đó, về thông tin sinh trắc học mống mắt quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định về trình tự, thủ tục cấp TCC nêu rõ: "Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp TCC". Như vậy, kể từ ngày 01/7/2024, khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp TCC sẽ được thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt tại cơ quan Công an cùng với vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

Việc thu thập mống mắt là để bổ sung cho TCC, chỉ khi người dân có nhu cầu đổi sang TCC thì mới bắt buộc phải thu thập mống mắt. CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, người dân vẫn sử dụng bình thường, không bắt buộc phải thu thập mống mắt để bổ sung.

Tạm ngưng cấp CCCD, định danh điện tử trên địa bàn TPHCM

Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, để chuẩn bị điều kiện tổ chức cấp căn cước cho công dân theo Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024), Công an TPHCM tạm ngưng việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử trên địa bàn TP kể từ ngày 25-30/6/2024 tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) - Công an TPHCM, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức và tại Bộ phận Một cửa quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Kể từ ngày 01/7/2024, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TPHCM, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an quận, huyện, TP.Thủ Đức và tại Bộ phận Một cửa quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ tiếp tục việc cấp căn cước, định danh điện tử cho công dân theo đúng quy định.

Mẫu TCC mới sử dụng chính thức từ ngày 01/7

Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 16/2024/TT-BCA quy định về mẫu TCC sẽ được sử dụng từ ngày 01/7. TCC mới sẽ có 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Thông tin lưu trữ trong chíp điện tử được mã hóa bằng thuật toán do cơ quan quản lý căn cước tạo lập.

Theo đó, 2 mặt của TCC in hoa văn màu xanh chuyển ở giữa màu vàng đến xanh. Nền mặt trước gồm bản đồ hành chính Việt Nam, trống đồng, các hoa văn, họa tiết truyền thống trang trí. Nền mặt sau gồm các hoa văn được kết hợp với hình ảnh hoa sen và các đường cong vắt chéo đan xen.

Hình Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam và ảnh khuôn mặt của người được cấp TCC (đối với công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên) được in màu trực tiếp trên TCC.

Mặt trước TCC cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi sẽ có các thông tin như: Biểu tượng chíp điện tử; Số định danh cá nhân/Personal identification number; Họ, chữ đệm và tên khai sinh/Full name; Ngày, tháng, năm sinh/Date of birth; Giới tính/Sex; Quốc tịch/Nationality... Đối với công dân Việt Nam từ đủ 6 tuổi trở lên, ngoài những thông tin trên sẽ có thêm ảnh khuôn mặt của người được cấp TCC.

Mặt trước của mẫu thẻ căn cước mới

Mặt trước của mẫu thẻ căn cước mới

Mặt sau của mẫu thẻ căn cước mới

Mặt sau của mẫu thẻ căn cước mới

Mặt sau TCC cấp cho công dân Việt Nam dưới 6 tuổi và từ đủ 6 tuổi trở lên sẽ có thông tin về nơi cư trú/Place of residence; Nơi đăng ký khai sinh/Place of birth; chíp điện tử; mã QR; Ngày, tháng, năm cấp/Date of issue; Ngày, tháng, năm hết hạn/Date of expiry...

Ngôn ngữ khác trên TCC là tiếng Anh. TCC được sản xuất bằng chất liệu nhựa. Việc mã hóa thông tin trong bộ phận lưu trữ trên TCC được mã hóa theo tiêu chuẩn ICAO gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; số định danh cá nhân; quốc tịch; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ngày, tháng, năm hết hạn; quê quán; thông tin sinh trắc học về ảnh khuôn mặt.

Thông tin lưu trữ trong chíp điện tử được mã hóa bằng thuật toán do cơ quan quản lý căn cước tạo lập gồm: Tên gọi khác; nơi sinh; nơi đăng ký khai sinh; dân tộc; tôn giáo; nhóm máu; số CMND 9 số; ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của TCC, thẻ CCCD, CMND 12 số đã được cấp; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại; thông tin sinh trắc học về vân tay, mống mắt; thông tin nhận dạng...

Thông tin được mã hóa QR gồm: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp TCC; số CMND 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có); họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ (đối với TCC cấp cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi).

DUY NGỌC

Quốc Phong

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/nhung-truong-hop-nao-can-luu-y_163937.html