Đối thoại, gỡ vướng, hướng dẫn chính sách thuế - hải quan cho doanh nghiệp phía Nam
Ngày 25/11 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - Hải quan với các doanh nghiệp khu vực phía Nam. Sự kiện thu hút hàng trăm đại diện doanh nghiệp tham dự.
Tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi về kinh tế, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Từ năm 2014 đến nay (8 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, trong đó các năm 2014, 2015, 2016, 2018, 2019, 2020 và 2021 Bộ Tài chính xếp thứ 2 trong nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ, riêng năm 2017 xếp thứ 3.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN)…
‘‘Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác như: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp (DN), người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...’’ - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hỗ trợ hoàn thuế trước cho doanh nghiệp
Tại buổi đối thoại, các DN nêu một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, ông Tomoki Kawasaki - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hòa) cho biết, việc chậm hoàn thuế GTGT của DN kéo dài đã 2 năm, do nghịch lý là DN chưa có giấy phép về điện lực (theo quy định của ngành điện, giấy phép chỉ được cấp khi dự án đi vào hoạt động), trong khi dự án đang trong giai đoạn đầu tư (thời gian đầu tư mất 4-5 năm mới có thể hoạt động).
Giải đáp phản ánh này, ông Vũ Xuân Bách - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện gặp vướng mắc liên quan đến nhiều DN. Để xử lý, ngày 22/7/2022, Chính phủ ký ban hành Nghị định 49/2022 tháo gỡ những vướng mắc trên. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết có liên quan đến thủ tục đối với từng trường hợp cụ thể trước thời điểm nghị định có hiệu lực.
‘‘Hồi tố tháo gỡ vướng mắc khó khăn trên, nên thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thủ tục rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Thông tư đã soạn thảo xong, lấy ý kiến các tổ chức có liên quan và hiện đang ở bước cuối cùng để ban hành, thực hiện. Trong thời gian chờ thông tư, ngày 23/11/2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản chỉ đạo (Công văn 12299/BTC-TCT về hoàn thuế dự án đầu tư) các cục thuế địa phương thực hiện hoàn thuế ngay cho DN theo nghị đinh này mà không phải chờ thông tư hướng dẫn, nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN…’’ - ông Vũ Xuân Bách nói.
Giải đáp, tháo gỡ hàng chục khó khăn, vướng mắc
Tại hội nghị, ngoài 15 nội dung liên quan đến những khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực thuế; các DN cũng nêu 7 vấn đề khác liên quan đến thủ tục hải quan trong thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Những khó khăn vướng mắc này đều được lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Tài chính giải đáp, tháo gỡ ngay tại hội nghị này.
Phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, do chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của DN, nên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị trực thuộc luôn quan tâm và hỗ trợ tích cực cho DN, xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.
Ngoài những nội dung được đề cập tại hội nghị, nếu còn vấn đề chưa được rõ, DN có thể trực tiếp hoặc thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hoặc từ các hiệp hội DN tập hợp và gửi đến Bộ Tài chính cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời.
‘‘Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính mong nhận được nhiều sự đóng góp thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan; nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch, cụ thể hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện, góp phần khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới…’’ - Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính thực tế triển khai là 813, trong đó: Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 464 (tỷ lệ 57,07%) và hoàn thành kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 63,79% (vượt hơn 30% so với yêu cầu của Chính phủ). Bên cạnh đó, DVCTT của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính và nhận được sự đánh giá cao.