Đối tác Nhật hết kiên nhẫn với Chứng khoán Dầu khí

Hơn 11 năm đầu tư vào Chứng khoán Dầu khí, Công ty SMBC Nikko (Nhật Bản) quyết định cắt lỗ, bán ra toàn bộ 14,9% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (mã PSI) được thành lập năm 2006, chính thức hoạt động từ năm 2007, vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng, dưới sự hậu thuẫn bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đến ngày 2/3/2011, Chứng khoán Dầu khí đã phát hành 8.916.300 cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu cho Công ty SMBC Nikko, tương ứng 14,9% vốn điều lệ và chính thức có sự hậu thuẫn thêm của tổ chức Nhật Bản, hướng tới nhóm khách hàng, đối tác Nhật Bản mà cổ đông chiến lược mang tới.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Chứng khoán Dầu khí định hướng chiến lược gồm “Ba trụ cột - hai nền tảng - một mục tiêu”, trong đó ba trụ cột là PVN, Ngân hàng mẹ PVcomBank, cổ đông chiến lược SMBC Nikko; hai nền tảng là con người và công nghệ; còn mục tiêu là phát triển theo mô hình ngân hàng đầu tư tập trung vào lĩnh vực năng lượng.

Tuy nhiên, thực tế, ngay sau khi nhận vốn từ SMBC Nikko, năm 2021, Chứng khoán Dầu khí ghi nhận lỗ 93,26 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 64,93 tỷ đồng, tức giảm 158,19 tỷ đồng). Tính tới 31/12/2011, Chứng khoán Dầu khí đã chính thức chuyển từ lãi lũy kế 54,99 tỷ đồng, sang lỗ lũy kế 81,63 tỷ đồng.

Như vậy, việc ghi nhận lỗ kỷ lục năm 2021, Công ty đã xóa toàn bộ lợi nhuận lũy kế tạo ra từ năm 2007 đến năm 2010.

Kể từ năm 2011 đến năm 2019 (8 năm), mặc dù Chứng khoán Dầu khí có lãi, nhưng không đáng kể. Tổng lãi trong 8 năm là 43,27 tỷ đồng, tính tới thời điểm 31/12/2019, Chứng khoán Dầu khí vẫn còn lỗ lũy kế 41,28 tỷ đồng.

Tới năm 2020, Chứng khoán Dầu khí đã quyết định sử dụng 41,28 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2019. Trong đó, thực tế thặng dư vốn cổ phần chủ yếu do Công ty phát hành cổ phiếu cho Công ty SMBC Nikko với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, thặng dư khoảng 44,58 tỷ đồng.

Như vậy, kể từ khi nhận vốn của Công ty SMBC Nikko, Chứng khoán Dầu khí kinh doanh thua lỗ kỷ lục ngay trong năm nhận vốn 2011. Sau đó, trải qua nhiều năm kinh doanh không xóa được lỗ lũy kế, Công ty đã quyết định sử dụng ngay thặng dư vốn từ đợt phát hành cho Công ty SMBC Nikko để xóa lỗ lũy kế.

Tính trong 2 năm sau khi xóa lỗ lũy kế, mặc dù đều ghi nhận lãi lần lượt là 35,15 tỷ đồng (năm 2021) và 26,58 tỷ đồng (năm 2022), nhưng Chứng khoán Dầu khí lại không trả cổ tức cho cổ đông, mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận.

Thực tế, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, do lỗ lũy kế nên Chứng khoán Dầu khí không trả cổ tức cho cổ đông và sau đó có lãi, Công ty vẫn quyết định giữ lại lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa, Công ty SMBC Nikko mặc dù đã góp vốn từ năm 2011 đến đầu năm 2023 vẫn không nhận được một đồng cổ tức nào.

Hết kiên nhẫn, ngày 6/10/2023, Công ty SMBC Nikko thông báo bán ra toàn bộ 8.916.300 cổ phiếu PSI, giảm sở hữu từ 14,9%, về còn 0% vốn điều lệ và chính thức không còn sở hữu cổ phiếu nào tại Chứng khoán Dầu khí.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 6/10 là 9.800 đồng/cổ phiếu, ước tính, Công ty SMBC Nikko sẽ thu về số tiền khoảng 87,38 tỷ đồng, lỗ khoảng 46,36 tỷ đồng sau hơn 11 năm đầu tư vào Chứng khoán Dầu khí.

Được biết, tại thời 30/6/2023, cơ cấu cổ đông của Chứng khoán Dầu khí gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank, ngân hàng thuộc sở hữu của PVN) sở hữu 51,17% vốn điều lệ; Công ty SMBC Nikko sở hữu 14,9% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư tài chính Thành Việt sở hữu 6,57% vốn điều lệ; còn lại 27,36% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Như vậy, với sự chia tay trong tháng 10/2023 của Công ty SMBC Nikko, điều này đồng nghĩa với việc Chứng khoán Dầu khí đã mất đi một trụ cột trong 3 trụ cột chính.

Xét về chất lượng tài sản, tính tới 30/6/2023, Chứng khoán Dầu khí có quy mô tài sản hơn 1.773 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu 777,95 tỷ đồng các khoản cho vay, chiếm 43,9% tổng tài sản; 634 tỷ đồng các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), chiếm 35,8% tổng tài sản; 146,6 tỷ đồng tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), chiếm 8,3% tổng tài sản; các khoản mục khác.

Nếu xét kỹ vào chất lượng tài sản của Chứng khoán Dầu khí, có nhiều khoản mục đầu tư, nắm giữ tài sản cần lưu ý. Trong đó, Công ty đang nắm giữ 47,97 tỷ đồng trái phiếu CTCP Đầu tư Hải Phát; cổ phiếu chưa niêm yết trong mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) là 141,69 tỷ đồng, giá trị hợp lý còn lại 79,7 tỷ đồng…

Được biết, Công ty kiểm toán AASC đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên 2023 của Chứng khoán Dầu khí. Đơn vị này nhấn mạnh, tại thời điểm 30/6/2023, tài sản tài chính sẵn sàng để bán của Chứng khoán Dầu khí bao gồm khoản đầu tư và ủy thác quản lý danh mục đầu tư với giá trị sổ sách 146,6 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng vốn chủ sở hữu, phát sinh từ năm 2012 trở về trước và không phát sinh đầu tư thêm đến thời điểm hiện tại.

B.D

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doi-tac-nhat-het-kien-nhan-voi-chung-khoan-dau-khi-d201063.html