Đời sống Đường 12 trong tôi…
Giao thông khó khăn từng là 'điểm nghẽn' đối với sự phát triển mọi mặt của vùng cao A Lưới.
Tốt nghiệp đại học, tôi nộp hồ sơ ứng tuyển và may mắn được nhận về làm phóng viên cho tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Lúc ấy, Thừa Thiên Huế vừa tái lập chừng 2 năm sau khi được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên. Cũng nhờ làm phóng viên mà tôi có cơ hội đi hầu khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó, có nhiều vùng đất vốn chỉ mới nghe tên chứ chưa một lần được đặt chân đến. A Lưới là một trong những số đó.
Ấy là những ngày đầu năm 1992, khi năm dê Tân Mùi chuẩn bị kết thúc để “bàn giao” cho năm khỉ Nhâm Thân, là phóng viên trẻ, nên tôi được “đặc cách” phân công bám đoàn công tác của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Nguyên Quảng đi thăm, chúc tết đồng bào, cán bộ chiến sĩ ở vùng cao A Lưới.
Đường lên A Lưới hồi ấy có 2 chọn lựa. Một: Qua phà Tuần, theo đường 12 (bây giờ là Quốc lộ 49) mà trực chỉ phía tây. Hai: Ra Quảng Trị, lên đường 9, vượt cầu Đakrong mà vòng trở vào. Tất nhiên, không ai… điên mà chọn lối Đakrong cả, bởi nó xa ngút ngàn. Chỉ từ Đakrong vào đến A Lưới đã mất gần trăm cây số, chưa tính từ Huế ra Đakrong. Nhưng đi theo đường 12 thì đường nhỏ, xấu. Và đặc biệt nếu gặp mưa thì xe không thể vượt ngầm Hồng Hạ để lên/về; chưa kể nguy cơ sạt lở rình rập đe dọa sự an toàn. Bởi vậy mà dù xa tít mù khơi, nhưng gặp khi thời tiết xấu thì lối Đakrong vẫn là lựa chọn duy nhất. May sao hôm khởi hành thời tiết nắng ráo nên đoàn công tác chúng tôi “được phép” chọn lối 12 để lên với A Lưới.
Gọi là đoàn công tác cho rầm rộ thế thôi, chứ cả thủ trưởng, chuyên viên và cánh phóng viên nhà báo đều cùng nhau “nhồi” chung trong một chiếc U- oát (UAZ) của Liên Xô sản xuất. Khởi hành rất sớm, lên bến Tuần phải xếp hàng đợi phà. Qua bờ bên kia, được một đoạn đường nhựa “đối ngoại”, còn thì bắt đầu “con đường đau khổ” với mặt đường đầy ổ gà và lát chủ yếu bằng đá trái, loại đá được vớt từ lòng khe suối, to cỡ quả dừa. Suốt cả mấy chục cây số là đèo dốc, là xóc nảy, là rung lắc. Người ngồi trong xe đều phải tìm cho mình một vị trí nào đó để bám giữ nếu không muốn bất thình lình sưng đầu u trán. Cái này thì tôi “kinh nghiệm xương máu”, bởi trong một chuyến đi như thế, chưa kịp bám giữ thì xe chạy và đã lập tức xóc ngay ổ gà. Cái gò má tội nghiệp của tôi nhận ngay một cú táng như trời giáng vào cóng chiếc UAZ, mặt mày xây xẩm, cả tháng sau vẫn còn sưng đau.
Lần đầu tiên trong đời được ngược con lộ 12 để lên với A Lưới để trong tôi nhiều cảm xúc thật khó tả. Đã hơn 15 năm sau chiến tranh, nhưng những vết thương của đạn bom, của napalm, của chất độc hóa học vẫn hằn in rõ nét dọc 2 bên con đường. Xóm làng thưa thớt, nhà cửa hầu hết tuềnh toàng tạm bợ. Chợ Bình Điền lèo tèo người bán kẻ mua. Đồi núi hai bên chỉ thấy bạt ngàn lau trắng, cỏ tranh. Rất nhiều cây rừng bị bom đạn đốt đến cháy đen, xác đứng chết trên những sườn đồi vẫn như tạc lên nền trời những dấu chấm than thảng thốt, uất nghẹn…
Đêm A Lưới không một bóng điện. Cánh báo chí vốn vẫn hay xông xáo thâm nhập thực tế giờ chẳng biết đi đâu, kéo nhau vào một gian phòng nghêu ngao đánh tiến lên chờ giờ đi ngủ. Đường từ Huế lên đã khó, từ trung tâm A Lưới đi các xã cũng chẳng dễ hơn. Thành ra, một chuyến thăm, chúc tết thường ngốn ít nhất 3 ngày. Có chuyến dự kiến chiều về, nhưng thấy dấu hiệu trời chuyển mưa, có khi trưa không kịp ăn đã lo lên xe đi ngay cho kịp, nếu không sẽ tắc đường, muốn về Huế để hôm sau có họp hành, công việc cần giải quyết thì phải quay ra Đakrong, xuống Đông Hà chạy thâu đêm mà vào…
Giao thông lúc ấy là cái “nút thắt” cản trở nhiều mặt đối với A Lưới, nhất là với việc giao thương, phát triển kinh tế, xã hội…Chính vì thế mà hầu như cuộc làm việc nào với lãnh đạo tỉnh hoặc trung ương; cuộc tiếp xúc cử tri nào với đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, cán bộ, người dân A Lưới đều không quên tha thiết kiến nghị “trên quan tâm cho A Lưới một con đường nối với Huế”…
Thấm thoắt mà đã gần ba mươi năm. Những ai bẵng đi ngần ấy thời gian nay quay trở lại đi trên con lộ 12 năm xưa hẳn không khỏi ngỡ ngàng với những đổi thay nơi đây. Chiếc cầu Tuần vững chắc, sừng sững đã nhiều năm rồi thay cho con phà chậm chạp, lạc hậu. Bến cũ nơi con phà mỗi ngày mấy bận lại qua nay vẫn lưu dấu ở phía hạ lưu cây cầu một quãng. Đường 12 nay trở thành Quốc lộ 49 và đã làm một cuộc lột xác toàn diện từ Huế cho đến A Lưới. Con đường to rộng, được thảm bê tông nhựa phẳng lì với hệ thống cầu cống, mương thoát nước, hộ lan, sơn kẻ, cọc tiêu, biển báo, gương cầu… khá tinh tươm, hoàn chỉnh.
Hai bên đường xóm làng, nhà cửa đông vui. Nơi những sườn đồi bạt ngàn cỏ tranh lau trắng một dạo, nay là những cánh rừng keo, tràm, cao su xanh ngút tầm mắt. Dưới tán rừng còn được người dân tận dụng để nuôi ong lấy mật. Rất nhiều những “vườn” ong như thế với hàng trăm thùng ong mỗi vườn tạo công ăn việc làm và nguồn thu đáng kể cho người nông dân…
A Lưới không còn là cái tên của một vùng đất xa xôi và đầy trắc trở nữa, mà ngược lại đang ngày càng được nhiều người tìm về như một địa chỉ du lịch đầy mời gọi. Không có gì khó khăn để có thể đi-về trong ngày khi muốn khám phá các con thác tuyệt đẹp, nguyên sơ ẩn mình giữa núi rừng A Lưới như Pârle, A Lin, A Nôr,… Người có thời gian hơn có thể lưu lại để trải nghiệm du lịch văn hóa tộc người, du lịch ẩm thực, hoặc du lịch các điểm di tích lịch sử cách mạng để hiểu thêm một trang sử hào hùng của dân tộc. Thị trấn A Lưới giờ đây đang ngày càng khang trang, sôi động. Điện lưới, đường giao thông đã phủ sóng 100% thôn bản. Số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt con số trên 90%. Nhiều loại dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét gần như đã là dĩ vãng...
Giữa đại ngàn Trường Sơn huyền thoại, giờ đây cộng đồng các dân tộc anh em Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Kinh đang cùng nắm chặt tay nhau để chung đắp, dựng xây cho cuộc sống ngày càng sung túc, tươi đẹp…
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/duong-12-trong-toi--a76658.html