Đổi mới phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh: Giúp học sinh làm chủ các kỹ năng
Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh (QP-AN) giữ vai trò chủ chốt trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Vì vậy, các thầy giáo, cô giáo đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, góp phần giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Đến Trường THPT Chuyên Bắc Giang, chúng tôi được chứng kiến giờ học Giáo dục QP - AN của học sinh lớp 10 chuyên Tin. Trên bãi tập, các học sinh được thầy giáo Nguyễn Thanh Hải hướng dẫn luyện tập nội dung các tư thế, động tác vận động trong chiến đấu. Còn bỡ ngỡ do lần đầu tiếp xúc với súng tiểu liên AK cùng các động tác cầm súng nên nhiều em thực hiện chưa chính xác. Tuy nhiên, do được hướng dẫn làm mẫu từng bước như: Làm nhanh, làm chậm có phân tích động tác, làm tổng hợp nên các em đã thực hiện thuần thục các tư thế đi khom, trườn, bò.
![Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải, Trường THPT Chuyên Bắc Giang hướng dẫn học sinh luyện tập.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_409_51476875/977149da7b9492cacb85.jpg)
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hải, Trường THPT Chuyên Bắc Giang hướng dẫn học sinh luyện tập.
Em Nguyễn Anh Duy cho biết: “Đây là buổi học rất ý nghĩa, chúng em được học các kỹ năng cần thiết trong chiến đấu. Hôm nay, lần đầu được cầm súng, thực hiện nhiệm vụ như một chiến sĩ, em cảm thấy rất vinh dự và sẽ nỗ lực học tập thật tốt”. Nhìn những cô cậu học trò ngày thường chạy nhảy tinh nghịch nhưng vào giờ học nghiêm túc, chăm chú, có thể nhận thấy các em rất yêu thích môn học này. Theo thầy Hải, quá trình tập, các em thường chú trọng đến động tác tay, chân mà chưa quan sát mục tiêu. Vì vậy, các giáo viên thường hướng dẫn làm đúng động tác trước, sau đó kết hợp các yếu lĩnh động tác cùng với vũ khí.
Được biết, trong quá trình giảng dạy, thầy Hải đã đưa ra nhiều sáng kiến về mô hình học cụ và phương pháp dạy học tích cực, kết hợp hình ảnh, hiện vật, trình chiếu Power Point, các tư liệu về lịch sử địa phương, anh hùng dân tộc. Chẳng hạn như nội dung học tháo lắp súng tiểu liên AK đối với học sinh khối 11, thầy đưa các video về cấu tạo, chuyển động các bộ phận của súng vào bài giảng. Khi học sinh nắm chắc cấu tạo của súng thì việc tháo lắp sẽ nhanh, chính xác hơn.
Em Lê Trường Tuệ, lớp 11 chuyên Tin chia sẻ: “Những hình ảnh mô phỏng về cấu tạo, chuyển động của súng đã giúp chúng em tiếp thu nhanh nội dung bài học. Ngoài ra, thầy đã giới thiệu cho chúng em biết thêm về Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã cùng các cộng sự miệt mài nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí quan trọng, góp phần nâng cao sức mạnh quân đội ta, giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ông cũng là tấm gương hiếu học, có khát vọng cống hiến để chúng em noi theo”.
![Học sinh Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) tập luyện động tác vận động trong chiến đấu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_14_409_51476875/c9d5287e1a30f36eaa21.jpg)
Học sinh Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) tập luyện động tác vận động trong chiến đấu.
Đối với thầy giáo Dương Đình Mạnh, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế), các bài giảng thường được thầy sử dụng phương pháp dạy học theo hình thức đảo ngược; sử dụng đội hình mẫu để dạy các bài thực hành; cho học sinh đóng vai người chiến sĩ chiến đấu trên mô hình trận địa giả trong các giờ thực hành để học trò ghi nhớ bài giảng. Thầy còn tổ chức cho học sinh tham gia các buổi ngoại khóa của nhà trường để tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Các tiết học tưởng chừng khô khan lại trở nên thú vị. Học sinh mong chờ vì được trải nghiệm những hoạt động mang tính thực tiễn cao.
Đến nay, 100% các đơn vị công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có máy bắn tập MBT-03; trung bình mỗi đơn vị có 30 khẩu súng AK, 5 khẩu súng CKC phục vụ thực hành. Ngoài ra còn nhiều thiết bị khác như: Lựu đạn, hộp dụng cụ huấn luyện, tranh ảnh.
Các thầy đã tích cực nghiên cứu đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm trong giảng dạy. Nhiều sáng kiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận. Tiêu biểu như sáng kiến “Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả giờ học Giáo dục QP-AN cấp THPT”, sáng kiến “Sử dụng đội hình mẫu để dạy học giờ học thực hành môn Giáo dục QP-AN cấp THPT” của thầy Dương Đình Mạnh; mô hình "Khe ngắm và đầu ngắm súng tiểu liên AK", "Phương pháp lấy đường ngắm chết vào mục tiêu cố định - bia số 4A" của thầy Nguyễn Thanh Hải. Được biết, các thầy giáo, cô giáo bộ môn Giáo dục QP-AN đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học; cùng học sinh cố gắng dạy và học thật tốt môn học này, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
Theo đồng chí Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, Sở phối hợp tuyển dụng giáo viên dạy môn học này đạt chuẩn theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 103 giáo viên, trong đó có 12 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi toàn quốc. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được ngành đặc biệt quan tâm, hằng năm đều tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy môn học được đầu tư mua sắm. Đến nay, 100% các đơn vị công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có máy bắn tập MBT-03; trung bình mỗi đơn vị có 30 khẩu súng AK, 5 khẩu súng CKC phục vụ thực hành, ngoài ra còn nhiều thiết bị khác như: Lựu đạn, hộp dụng cụ huấn luyện, tranh ảnh.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên giảng dạy bộ môn, trong đó chú trọng nội dung kiến thức mới, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. Tổ chức Hội thao Giáo dục QP-AN cấp tỉnh nhằm đánh giá chất lượng giáo dục QP-AN trong các trường THPT. Kiểm tra chất lượng quản lý, tổ chức thực hiện nội dung chương trình môn học Giáo dục QP-AN ở cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện giữa các nhà trường về môn học này.