Đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim
Những ngày qua, lĩnh vực điện ảnh đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó nổi bật là vấn đề kiểm duyệt phim.
Ở nhiều cuộc thảo luận, không ít người cho rằng những bất cập trong kiểm duyệt đã tạo nên sự cản trở quá trình phổ biến tác phẩm điện ảnh tới công chúng, thậm chí trở thành “rào cản” tác động thiếu tích cực tới sự phát triển của điện ảnh. Một số bộ phim Việt Nam đoạt giải ở các Liên hoan phim (LHP) quốc tế khi về nước bị phạt vì vi phạm Luật Điện ảnh, không được cấp phép phổ biến… được đưa ra làm dẫn chứng.
Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, trước một bộ phim không được phép phổ biến, Cục Điện ảnh luôn có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Thí dụ, khi thẩm định bộ phim “Vị”, trong Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim ngoài một thành viên có ý kiến xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp thì tất cả đều nhất trí không cho phổ biến. Sau đó, Cục Điện ảnh tiếp tục mời các chuyên gia tư vấn ngoài Hội đồng đến xem phim và cho ý kiến.
Hội đồng tư vấn cũng nhất trí 100% không phổ biến bộ phim tại Việt Nam. Sau quy trình đó, Cục Điện ảnh mới ra quyết định không phổ biến phim “Vị”. Theo Cục Điện ảnh, nhà sản xuất phim “Vị” bị phạt vì đưa phim dự LHP quốc tế khi chưa được cấp phép phổ biến trong nước là đúng quy định pháp luật. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, trong các năm 2018, 2019, 2020 không có phim Việt Nam nào bị cấm phổ biến, chỉ đến năm 2021 mới có hai phim.
Trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Cục Điện ảnh đã tham vấn ý kiến các chuyên gia trong giới đóng góp cho nội dung kiểm duyệt phim nhằm tính tới những phương án tối ưu hơn, tạo điều kiện thuận lợi để phim Việt tham dự LHP quốc tế và phổ biến tác phẩm tới công chúng. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý, nên xem xét thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim để tăng tính đột phá hơn. Các đài truyền hình vẫn tự cấp phép, kiểm duyệt phim truyền hình; các ấn phẩm sách báo có thể xin giấy phép ở nhiều nhà xuất bản… thì có thể tính tới phương án xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị (Nhà nước) cùng có quyền thẩm định, cấp phép các bộ phim.
Nhà nước chỉ cấp phép thành lập các trung tâm thẩm định phim này, giám sát hoạt động và thậm chí rút phép khi họ không thực hiện tốt. TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, cần quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, mới có thể tránh được các tranh cãi, phản ứng trong quá trình phân loại phim.
Bên cạnh đó, cần quy định việc hạn chế chiếu phim (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu…), thậm chí một số rạp chiếu riêng những phim phân loại cao nhất (thí dụ phim dành cho khán giả trên 18 tuổi). Ngoài ra, cần quy định việc thẩm định các sản phẩm quảng cáo phim (trailer, teaser, poster…) tránh kích động, phản cảm. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận xét, những câu chuyện kiểm duyệt từng khiến anh mệt mỏi và bản thân không muốn lặp lại với những đồng nghiệp trong tương lai.
Là người có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo các thế hệ diễn viên, đạo diễn của nền điện ảnh nước nhà. GS,TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định: Nước nào cũng cần bảo vệ quyền lợi, giá trị văn hóa, những yếu tố cốt lõi và rường cột thể chế - xã hội của đất nước mình.
Phim bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấm, đồng nghĩa với việc không được phổ biến dưới mọi hình thức, không được quyền tham dự các LHP trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc phạt hay cấm một bộ phim bao giờ cũng thu hút những ý kiến trái chiều mà trong đó truyền thông là phương tiện tích cực khai thác nhất. Đánh giá về một bộ phim mà không được xem, chỉ nghe nói, là hạn chế rất lớn, khó tránh được sự cảm tính. Nên chăng, trong luật hoặc văn bản dưới luật, có thể mở ra cơ hội cho truyền thông và các cơ quan nghiên cứu thêm trách nhiệm rằng trong một thời gian, phạm vi xác định, được tiếp cận bộ phim gây tranh cãi để có cái nhìn khách quan.
Đóng góp ý kiến chung quanh vấn đề kiểm duyệt phim, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đây là lĩnh vực khá nhạy cảm, phức tạp và cần thêm nhiều sự cập nhật, đóng góp, điều chỉnh sao cho vừa phù hợp với bối cảnh phát triển mới, vừa giữ được giá trị cốt lõi của văn hóa, xã hội để điện ảnh thực sự mang lại ý nghĩa tích cực. Một số thành viên Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim xác nhận, dù kiểm duyệt khá chặt chẽ, song ngay cả những bản phim đã qua thẩm định và được cấp phép vẫn bị đưa ra thị trường, đem đi dự thi… bằng các phiên bản khác nhau. Bởi thế, ngoài việc tính tới giới hạn điều gì nên “lỏng”, điểm nào nên “chặt” trong kiểm duyệt phim thì vấn đề quản lý các bản phim sau khi được cấp phép cũng cần nâng cao trách nhiệm, kỹ thuật quản lý giám sát và chế tài xử phạt.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dien-dan/doi-moi-co-che-kiem-duyet-phim-667744/