Dọc đường tác nghiệp

Thấm thoắt đã 12 năm tôi gắn bó với ngôi nhà Báo Phú Thọ - nơi chứa đựng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng say nghề cùng biết bao cung bậc cảm xúc gửi gắm qua mỗi tác phẩm báo chí. Từ những bước chân chập chững bước vào nghề cho đến nay, hàng trăm chuyến đi trên khắp nẻo đường quê hương...

Đường về bản Mỹ Á

(baophutho.vn) - Thấm thoắt đã 12 năm tôi gắn bó với ngôi nhà Báo Phú Thọ - nơi chứa đựng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng say nghề cùng biết bao cung bậc cảm xúc gửi gắm qua mỗi tác phẩm báo chí. Từ những bước chân chập chững bước vào nghề cho đến nay, hàng trăm chuyến đi trên khắp nẻo đường quê hương với bao kỷ niệm đã giúp tôi ngày càng vững tin, cống hiến cho nghề mình đã chọn. Cũng như các đồng nghiệp, tôi đã cố gắng vượt lên những khó khăn, thậm chí hiểm nguy để không ngừng miệt mài với từng con chữ, từng sự kiện, số phận con người. Bởi đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là trách nhiệm xã hội của người cầm bút.

Đội mưa đi cơ sở

Cách đây chừng bảy, tám năm, phương tiện đi cơ sở chủ yếu là xe máy mà cánh phóng viên chúng tôi vẫn thường đùa vui là xe “mui trần”. Trời nắng đã vất vả, tác nghiệp trong hoàn cảnh mưa gió lại càng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hôm ấy, tôi và một đồng nghiệp có hẹn làm việc với UBND huyện Đoan Hùng để tìm hiểu viết bài về thực trạng bán bưởi non của các hộ trồng bưởi. Kế hoạch xuất bản đã ấn hành, lịch làm việc cũng đã hẹn, nên trước khi khởi hành dù thấy trời sắp đổ mưa, chúng tôi vẫn không do dự, quyết tâm lên đường. Đi được khoảng chục cây số, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Điều chúng tôi lo nhất lúc ấy không chỉ là cố giữ cho mình khỏi ướt mà còn làm thế nào để bảo vệ chiếc máy ảnh không dính nước mưa. Cơn mưa rào cùng gió mạnh táp thẳng vào mặt khiến chiếc xe Wave nhiều lúc loạng choạng, nhất là khi gặp xe tải đi ngược chiều. Quãng đường dài gần 60km đến huyện thường chỉ mất một tiếng rưỡi chạy xe máy mà hôm ấy chúng tôi “bò” lên đến nơi mất gần ba tiếng. Quần áo, giầy dép đều ướt sũng, bùn đất lấm lem. Phải mất nửa tiếng đồng hồ để gột rửa chân tay, quần áo và lấy lại tinh thần, chúng tôi mới có thể bắt tay vào việc. Thành quả của chuyến đi ấy là một tác phẩm đầy đặn thông tin, sống động hơi thở cuộc sống và được Ban biên tập động viên khen thưởng.

Lần đầu tiên tôi đến xã miền núi Lương Nha, huyện Thanh Sơn nằm cách thành phố Việt Trì hơn 50km cũng vào một ngày mưa to gió lớn. Đó là năm 2018 khi tôi được giao thực hiện một phóng sự về lao động xuất cảnh trái phép sang Thái Lan. Thời điểm ấy, Lương Nha là “điểm nóng” của toàn tỉnh với số lượng người dân địa phương đổ xô sang Thái Lan buôn bán, lao động bất hợp pháp bằng con đường du lịch lên đến hàng trăm người. Nhiều đôi vợ chồng bỏ nhà cửa, gửi con cái cho ông bà trông nom để tìm cơ hội đổi đời nơi đất khách quê người. Hệ lụy từ lao động chui đã khiến nhiều người phải từ bỏ giấc mơ làm giàu khi liên tục bị truy đuổi, phải sống lẩn trốn. Để gặp gỡ được những nhân vật, nghe họ kể về quãng thời gian sống chui sống lủi kiếm miếng cơm manh áo của mình, tôi đã phải mất nhiều công sức thuyết phục. Vì thế, bằng giá nào tôi cũng phải lên đường dù trời mưa gió. Một mình trên chiếc xe máy với áo mưa và đồ nghề, tôi đã đến được nơi mình cần đến, gặp gỡ được những người cần gặp. Trong bộ dạng ướt đầm, tôi ngại ngùng khi bắt tay đồng chí chủ tịch UBND xã. Và câu nói của đồng chí Chủ tịch UBND xã “Lần đầu tiên tôi thấy một phóng viên nữ đội mưa vượt đường xa đi cơ sở như đồng chí. Đồng chí yên tâm, cần gì chúng tôi sẵn sàng cung cấp đầy đủ” đã khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng trong khi bàn tay còn rét run vì cầm lái chặng đường dài. Kể từ đó, tôi đã để lại ấn tượng tốt trong lòng các cán bộ ở địa phương. Đó là cơ hội để về sau tôi có thêm nhiều đề tài hay về xã miền núi này.

Những trẻ em vùng cao.

Vùng cao không xa

Đường về khu Lóng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn cách đây vài năm từng là nỗi ám ảnh không chỉ đối với những giáo viên cắm bản mà ngay cả với cánh phóng viên chúng tôi. Trời nắng ráo đã hai tuần mà chiếc xe Dream của thầy giáo ở điểm trường chính đưa tôi vào thăm điểm lẻ vẫn không thể “bò” được mà đành phải dắt bộ vì đường quá lầy thụt với những ổ trâu, ổ voi do xe chở gỗ thường ngày chạy qua. Vậy mà, không kể nắng, mưa, mùa Đông lạnh giá, sương mù, các cô giáo của Trường Tiểu học và Trường Mầm non xã Thạch Kiệt vẫn băng rừng, lội suối để bám trường, bám lớp. Phía sau bục giảng ấy là cả sự hy sinh thầm lặng mà các cô luôn tự động viên mình phải vượt qua để hàng ngày đến với học sinh thân yêu. Hình ảnh lớp học mầm non ẩm thấp lợp lá cọ, phên nứa gió lùa tứ phía đã khiến tôi nghẹn lòng và cho ra bài viết “Phía sau bục giảng” nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam đã phần nào nói thay những tâm tư, nỗi trăn trở của những giáo viên nơi đây. Rồi cũng có một số bài báo phản ánh về nỗi vất vả của cô, trò nơi đây đã giúp các ban ngành, cơ quan chức năng thấu hiểu và quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Khu Lóng giờ đã thay da đổi thịt. Những lớp học tạm đã được thay bằng điểm trường khang trang, sạch đẹp. Đường về khu cũng đã được bê tông hóa.

Mặc dù không phải là phóng viên phụ trách huyện miền núi, nhưng chính những nơi còn khó khăn, thiếu thốn về vật chất ấy lại có sức hút, thúc đẩy tôi lên đường tìm kiếm đề tài, tư liệu. Chính những chuyến công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Đó là hình ảnh những đứa trẻ lên ba, lên năm ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn phong phanh trong chiếc áo mỏng, quần đùi tha thủi chơi quanh nhà khi nhiệt độ ngoài trời chỉ 13-14C. Trong số đó, có bé bị sứt môi hở hàm ếch rất nặng mà tôi vô tình bắt gặp qua bức ảnh chụp đã khiến tôi ám ảnh mãi. Nếu như cháu bé ấy được sinh ra trong gia đình không quá khó khăn hoặc cha mẹ có đầy đủ hiểu biết thì chắc sẽ được chữa trị kịp thời. Mặc dù vài năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ bà con ở bản người Mông này đã được hiện thực hóa, song đời sống của họ vẫn còn không ít vất vả. Khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, phong tục tập quán… là những trở ngại mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực bù đắp, động viên bà con phấn đấu vươn lên.

Những kỷ niệm dọc đường tác nghiệp ấy đã tiếp thêm cho tôi nguồn động lực để tự nhắc nhủ bản thân phải nỗ cố gắng dành trọn tâm huyết với nghề. 12 năm trong nghề tuy chưa dài, nhưng dưới ngòi bút và tay máy của mình, tôi đã đóng góp hàng trăm tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng những xúc cảm riêng, nhưng tựu chung đều hướng đến mục tiêu, mong ước xây dựng cuộc sống người dân quê hương Đất Tổ ngày càng đi lên, ấm no, hạnh phúc.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202204/doc-duong-tac-nghiep-183842