'Doanh nhân nhí' 4 tuổi đi 'bán' kẹo kiếm tiền, 3 tuổi đứng bếp rán bánh ăn sáng
Hình ảnh bé Măng (con chị Ngọc Hà, Hà Nội) từng gây sốt cộng đồng mạng khi 3 tuổi biết đứng bếp, tự tay rán bánh ăn sáng mỗi ngày. Lúc 4 tuổi, Măng mang về 'doanh thu' hơn 300 nghìn đồng, lãi 178 nghìn đồng sau 2 ngày đi xe thăng bằng 'bán' kẹo trong hầm chung cư.
"Mẹ đang làm phiền tuổi thơ của con" hay trao cho con chiếc chìa khóa tự lập?
Hiện tại, Măng đã lên 8, còn em Mía 5 tuổi vẫn được mẹ rèn tính tự lập bằng những công việc hằng ngày.
“Việc nhà của các bạn nhỏ Măng, Mía rất đơn giản: Thứ tự ưu tiên từ phạm vi cá nhân của con đến gia đình. Ví dụ, con tự cất dọn bút sách vở sau khi học xong, dọn đồ chơi, cất quần áo sau khi thay, cất chăn gối sau khi ngủ.
Tiếp đó sẽ làm các công việc giúp đỡ mẹ như: Đổ rác, dọn đồ ăn, xới cơm. Mỗi tuần, tôi sẽ cho con một buổi làm đồ ăn sáng. Đặc biệt, có một việc các bạn luôn làm đó là, uống xong sữa luôn phải rửa sạch cốc. Những việc này nghe thì nhỏ nhưng thực tế tôi chỉ yêu cầu vậy thôi. Đều đặn từng ngày từng tuần.
Quan điểm của tôi rất đơn giản: Con làm việc của con, mẹ là người giám sát. Khi làm tốt, mẹ sẽ khen thưởng, khen ngợi. Làm chưa tốt hoặc từ chối mẹ sẽ nói chuyện thêm để con hiểu”, chị Ngọc Hà chia sẻ.
Trò chuyện thêm với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Ngọc Hà cho biết, mỗi thời điểm, chị chỉ yêu cầu con làm tốt một việc. Làm thành thục sẽ chuyển qua việc mới.
Câu chuyện về cậu bé Măng tự lướt xe thăng bằng, bán kẹo trong hầm chung cư từng gây tranh cãi. Không ít phụ huynh bày tỏ quan điểm “mẹ đang làm phiền tuổi thơ của con khi bắt con tiếp xúc với tiền quá sớm”.
Làm trong lĩnh vực nuôi dạy con, chị Ngọc Hà quan tâm đến việc dạy về tiền cho con, muốn con hiểu kiếm tiền là điều không dễ.
Mỗi tuần, chị sẽ phát tiền tiêu vặt một lần cho 2 con: Măng 20 nghìn đồng và Mía 10 nghìn đồng. Cũng có những tuần, 2 bé nhận được ít hơn số tiền trên. Lý do chị đưa ra là vì con không hoàn thành việc của mình để mẹ nhắc nhở chuyện bàn học, phòng bừa bộn.
Cho con đọc sách về tài chính hợp độ tuổi, khuyến khích con biết trân quý, tiết kiệm tiền
“6 tháng trở lại đây, tôi mua cho con một số sách về tài chính phù hợp độ tuổi. Sau một thời gian khuyến khích, nay con hứng thú với chủ đề này. Con hay hỏi mẹ làm thế nào để con kiếm được tiền. Tôi nói: “Chẳng phải cứ hoàn thành việc của con thì mỗi tuần mẹ sẽ phát tiền tiêu vặt 20 nghìn đồng sao?”. Nhưng con muốn nhận nhiều hơn. Vậy tôi gợi ý cho con dọn nhà vệ sinh và nhà tắm.
Tuần một lần, tôi sẽ trả thêm 10 nghìn đồng cho mỗi lần. Nếu con vẫn muốn kiếm thêm? Tôi đề nghị dì của con cho con dọn nhà vệ sinh của dì. Và con đã làm thế”, chị Hà kể.
Chị Ngọc Hà cho biết, quan điểm dạy con về tiền của chị khiến nhiều bố mẹ sẽ lăn tăn, việc nhà là việc phải làm sao lại trả tiền cho con? Chị quan niệm, việc nhà vừa sức là việc của con nhưng quá sức thì có thể sẽ là hoạt động giúp con kiếm thêm thu nhập.
Mục đích của chị là nhằm giúp các con biết tự lập, tự chủ, chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Mỗi lúc con mè nheo không giúp đỡ mẹ chuyện gì đó, chị sẽ hỏi: “Nhà mình ai là đàn ông nhỉ?”. Khi ấy Măng, Mía tranh nhau trả lời: “Con ạ, con ạ” và hào hứng giúp mẹ ngay.
Khen ngợi và phần thưởng là thứ khích lệ trẻ con rất nhiều. Măng, Mía nhà chị mỗi bạn sẽ có một hòm tiền nhỏ. Chị kể, các con hay mang ra đếm. Măng lớn hơn biết đọc bộ sách tài chính nên chia tiền thành hai cái hũ. Một ghi là “hũ tiết kiệm”, cái còn lại ghi “hũ chi tiêu”.
Một thời gian sau, chị thấy con dồn hai hũ thành một, hũ chi tiêu trống không. Chị hỏi tại sao, con nói: “Con không cần tiêu, con muốn tiết kiệm”. Sắp tơi, hai mẹ con chị Hà sẽ làm một tờ “wish list” (tạm dịch: Danh sách những thứ con muốn) để con sử dụng đồng tiền một cách hợp lý.
Chị Ngọc Hà tâm sự: “Thực tế, tôi không phải người học về tài chính bài bản. Nhưng những điều tôi đang cố gắng dạy cho con cũng là những thứ tôi đang học. Hi vọng các con sẽ trân quý đồng tiền, biết tiết kiệm, kiếm tiền và biết chi tiêu khi lớn hơn”.
Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan tỏa yêu thương đến với con trẻ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây