Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó với thuế quan của ông Trump
Doanh nghiệp Việt đang chuẩn bị tích cực cho chiến lược kinh doanh trước bối cảnh ông Trump có những chính sách thuế quan với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Đã có ngành hàng thép và nhôm Việt chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định áp thuế nhập khẩu 25% của ông Trump.
Vừa mừng, vừa lo
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 25% với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ, áp dụng với tất cả quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan mới. Dễ thấy nhất là các ông lớn trong ngành sản xuất thép nhôm, như Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen và Tôn Đông Á, vốn có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
Theo các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán KBSV, các công ty thép Việt có thể giảm mức tiêu thụ vì Mỹ đánh thuế quan. Tuy nhiên, dù xuất khẩu giảm, nhưng doanh thu chưa chắc giảm tương ứng vì các công ty này được hỗ trợ nhờ nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trở lại, động lực chính đến từ sự hồi phục của thị trường bất động sản dân dụng, các dự án đầu tư công tiếp tục được triển khai.
![Doanh nghiệp Việt vẫn đang tích cực sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51462458/5f89f80ac844211a7855.jpg)
Doanh nghiệp Việt vẫn đang tích cực sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Nhiều doanh nghiệp Việt trong các ngành hàng kinh doanh chưa bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ vẫn đang hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng cũng đã có những kịch bản chuẩn bị.
Bà Lê Thị Xuyến, Tổng giám đốc Công ty chế biến gỗ Thuận An, cho biết vẫn đang thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên hiện đơn hàng vẫn chưa mạnh như trước đây, đồng thời cạnh tranh giá khiến gây khó cho công ty trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất. Chưa kể, lạm phát và thương chiến giữa nhiều quốc gia dẫn đến tình trạng khách hàng khó khăn về tài chính ảnh hưởng tới thời gian thanh toán.
Dù vậy Thuận An vẫn cán đích lợi nhuận trong năm 2024, nhưng bà Xuyến cũng đánh giá kinh doanh năm 2025 còn khó khăn. “Chúng tôi cũng đã lên kịch bản đối phó nếu như ngành gỗ bị áp thuế quan từ Mỹ như tăng cường tìm kiếm thị trường mới, nghiên cứu và phát triển mẫu sản phẩm mới hấp dẫn khách hàng” – bà Xuyến nói.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra những thay đổi lớn trên toàn cầu từ chuỗi cung ứng và nhập khẩu, đặc biệt là đối với ngành thủy sản. Trong bối cảnh này, Việt Nam với những lợi thế riêng biệt đang đứng trước cơ hội lớn.
![Các doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51462458/a7650ae63aa8d3f68ab9.jpg)
Các doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.
Khi chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều giải pháp ứng phó
Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, trong thời gian tới đây sẽ tập trung các giải pháp để hạn chế những rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 Hiệp định thương mại tự do và gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng.
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép thiết lập mới, tăng cường sự hiện diện của các đại diện thương mại Việt Nam tại các thị trường tiềm năng, nhằm phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của Việt Nam, thương nhân Việt Nam trong hoạt động ngoại thương” - Bộ Công Thương chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam. Từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tranh thủ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng cường giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc nghiêm ngặt vốn đầu tư nước ngoài để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba…” - Bộ Công Thương nêu giải pháp.
Ứng phó nhanh chóng với các thay đổi
“Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược sản xuất và kinh doanh hiệu quả với giá thành sản phẩm phải hợp lý và minh bạch. Đồng thời, doanh nghiệp cần có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của Mỹ” – Vasep khuyến nghị.
Một ông lớn trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây sang Mỹ là Tập đoàn Vina T&T cũng đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường trong bối cảnh ông Trump có nhiều động thái áp thuế quan lên nhiều nước.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T cho biết, trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, mặt hàng trái cây tươi không bị đánh thuế, và hiện cũng chưa thấy động thái nào trong nhiệm kỳ thứ 2, do đó, công ty vẫn đang xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nếu ông Trump áp thuế quan lên mặt hàng trái cây tươi, rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ sẽ cân đo đong đếm tiêu dùng hàng hóa của mình vì giá cao. Chưa kể mất thị trường vì không cạnh tranh được với sản phẩm các nước không bị thuế quan.
“Chúng tôi cũng đã có những chiến lược ứng phó với rủi ro một khi bị áp thuế quan cao. Chẳng hạn, sẽ chuyển hướng khai thác các thị trường mới có thuế quan thấp hơn hoặc không áp dụng thuế quan. Cải tiến sản phẩm, tăng chất lượng để tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng giá bán. Xây dựng thương hiệu mạnh để khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm của doanh nghiệp” – ông Tùng nói.
![Tận dụng các hiệp định thương mại tự do là cách để tìm kiếm khách hàng mới, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường xuất khẩu duy nhất. Ảnh: PHƯƠNG MINH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51462458/8e1b359805d6ec88b5c7.jpg)
Tận dụng các hiệp định thương mại tự do là cách để tìm kiếm khách hàng mới, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường xuất khẩu duy nhất. Ảnh: PHƯƠNG MINH
Tận dụng cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực
Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, bối cảnh thuế quan như hiện nay có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
Chẳng hạn, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với các đối thủ cạnh tranh đến từ các quốc gia không bị áp thuế hoặc có thuế suất thấp hơn. Khi giá thành sản phẩm tăng và sức cạnh tranh giảm, doanh số bán hàng của doanh nghiệp có thể giảm sút, dẫn đến giảm doanh thu.
Thuế quan cao sẽ là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường sang các quốc gia áp dụng thuế quan cao.
“Doanh nghiệp cũng cần theo dõi sát sao các chính sách thương mại của các quốc gia, tham gia các hiệp hội ngành hàng để cập nhật thông tin và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.
Đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm và khai thác thị trường mới nhằm giảm thiểu rủi ro. Các FTA sẽ tạo ra một sân chơi cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và thị trường rộng lớn hơn từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc tăng thuế quan gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng là một cơ hội để doanh nghiệp đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh” – ông Phương nói.
Tiến sĩ Võ trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam với tính cách là nền kinh tế mở nên không thể tránh khỏi tác động của cuộc chiến thương mại, có thể là ngắn hạn, dài hạn, nhiều chiều và trong những tác động đó có tiêu cực lẫn cơ hội.
Do đó doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để vừa giảm thiểu tác động tiêu cực, vừa tăng thêm những giá trị cho quá trình phát triển. Chính vì vậy, trong cách ứng phó doanh nghiệp phải bám rất sát, nhìn nhận cuộc chiến này với thái độ bình tĩnh, tiếp cận góc độ tiêu cực lẫn tích cực. Doanh nghiệp phải có những cơ chế, những chính sách để hạn chế rủi ro, giảm thiểu sự bất định, tăng cường khả năng chống chịu.
“Chúng ta phải hiểu rằng trong môi trường bất định, rủi ro cũng đi kèm nhiều cơ hội. Bài toán quan trọng của doanh nghiệp là bám tình hình để tận dụng cho được cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Mà muốn giảm thiểu rủi ro thì phải học cách quản trị sự bất định và rủi ro”, tiến sĩ Thành khuyến nghị.
Công ty chứng khoán SSI cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký các tuyên bố để tăng thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm lên mức cố định 25% và loại bỏ tất cả các miễn trừ cho tất cả các quốc gia.
Đây là một phần mở rộng của thuế Mục 232 được ban hành vào năm 2018 bởi ông Trump, ban đầu đặt mức cố định 25% cho nhập khẩu thép nhưng bao gồm các miễn trừ cho một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.
Thuế mới duy trì thuế Mục 232 và loại bỏ tất cả các miễn trừ. Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4-3.
Đối với Việt Nam, nhập khẩu thép vào Mỹ đã bị đánh thuế 25% kể từ năm 2018 theo Mục 232, vì vậy thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế này.
Do đó, có rất ít tác động đến ngành thép Việt Nam liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ.
Triển vọng cho ngành thép năm 2025 vẫn tích cực dựa trên giá thép đã chạm đáy, nhu cầu nội địa mạnh hơn từ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công mạnh mẽ.