Doanh nghiệp Việt cần tái cấu trúc, nâng cao năng lực để ứng phó với rủi ro từ thuế suất

Khi nguy cơ từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ trở thành một biến số lớn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tái cấu trúc chiến lược, không chỉ để trụ vững mà còn để vươn xa.

Ngành gỗ Việt Nam sẽ bị tác động nếu Hoa Kỳ áp thuế suất đối ứng cao.

Ngành gỗ Việt Nam sẽ bị tác động nếu Hoa Kỳ áp thuế suất đối ứng cao.

Định vị lại thị trường, chủ động từ nội lực

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của TP Hồ Chí Minh và của nhiều ngành mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử. Việc Hoa Kỳ cân nhắc áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam, dù chưa có hiệu lực, đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tính đến những kịch bản ứng phó chưa từng có.

Ông Vũ Đỗ Khanh, Giám đốc điều hành đơn vị thực nghiệm Chính sách POLAB, nguyên Cố vấn Chính sách năng lượng cho nhóm G20 cho biết, người trả thuế là công ty nhập khẩu tại Mỹ, nhưng hậu quả cuối cùng vẫn dồn về nhà sản xuất Việt Nam khi giá hàng hóa tăng vọt và mất sức cạnh tranh.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi mắt xích đều chịu tác động khi có biến động lớn về chính sách. Đối với doanh nghiệp Việt, vốn ở phần giá trị thấp hơn trong chuỗi, sẽ chịu tổn thương trước tiên nếu không chủ động nâng cao nội lực.

Ông Vũ Đỗ Khanh, Giám đốc Điều hành đơn vị Thực nghiệm Chính sách POLAB, nguyên Cố vấn Chính sách năng lượng cho nhóm G20 đã chia sẻ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Vũ Đỗ Khanh, Giám đốc Điều hành đơn vị Thực nghiệm Chính sách POLAB, nguyên Cố vấn Chính sách năng lượng cho nhóm G20 đã chia sẻ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngay từ tháng 3, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, gỗ và những ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ cao đã bị hoãn hoặc hủy đàm phán hợp đồng. Đại diện một hiệp hội ngành hàng tại TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay khi có thông tin về việc Hoa Kỳ chuẩn bị áp dụng thuế suất đối ứng với nhiều mặt hàng Việt Nam, có doanh nghiệp buộc phải cho công nhân tạm nghỉ vì không có đơn hàng mới. Nếu mức thuế 25% hay thậm chí 46% như đề xuất được áp dụng thực sự, một số mặt hàng của Việt Nam gần như mất khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ), khủng hoảng lần này cũng là thời điểm để tái cấu trúc. "Thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng số lượng, đây là cơ hội để điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, hướng đến các phân khúc cao cấp và mở rộng sang xuất khẩu dịch vụ", GS.TS Trần Ngọc Anh nói.

Trước những trở ngại về thuế suất, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu có những chuyển hướng. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc điều hành Công ty thủy sản TimeSea (quận Bình Tân) cho biết: “Chúng tôi chuyển một phần đơn hàng sang châu Âu, Nhật, Hàn Quốc. Để làm được, công ty phải đầu tư chứng chỉ ASC cho vùng nuôi, công nghệ chế biến hiện đại và hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường mới không đơn giản. Mỗi thị trường đi kèm với rào cản kỹ thuật và yêu cầu cao về minh bạch thông tin. Chỉ có cách nâng cao năng lực thực chất thì mới giữ chân được thị trường khó tính lâu dài".

Theo ông Vũ Đỗ Khanh, hiện nay, thay vì tập trung vào thị trường nào đang có lợi nhuận cao nhất, doanh nghiệp Việt cần chủ động lựa chọn thị trường chiến lược, xây dựng năng lực nội tại đủ mạnh để xoay chuyển khi có biến động. Thực tế cho thấy, việc chỉ dựa vào một vài thị trường lớn như Hoa Kỳ là quá rủi ro. Vì vậy, đơn vị đang tư vấn cho nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị đơn hàng xuyên biên giới, từ đó kiểm soát chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng bền vững cho doanh nghiệp.

Tái cấu trúc chuỗi giá trị, đầu tư cho bền vững

Trong các ngành có tốc độ chuyển mình nhanh, nhóm doanh nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo, thực phẩm đang chủ động phân tán chuỗi sản xuất. Tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, một số doanh nghiệp FDI đã chuyển đơn hàng sang Thái Lan, Indonesia để giảm rủi ro bị Hoa Kỳ điều tra xuất xứ. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc một doanh nghiệp điện tử tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu mở thêm nhà máy ở Philippines, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản... để tránh tình trạng phụ thuộc vào một điểm xuất xứ như Hoa Kỳ. Hiện tại, các thị trường này cũng có nhiều ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong nước đang thay đổi vai trò, từ đơn vị gia công sang chủ động thiết kế, sản xuất và xây dựng thương hiệu riêng. Một số doanh nghiệp đã kết nối trực tiếp với chuỗi bán lẻ tại thị trường phát triển như EU, Nhật Bản thay vì qua trung gian. "Xuất khẩu bền vững không phải là chuyện có lãi nhanh mà là năng lực trụ được qua nhiều biến động. Vì vậy, doanh nghiệp muốn trụ được qua nhiều biến động cần xây dựng nội lực thật vững, nghĩa là phải có sản phẩm chất lượng, uy tín”, ông Khanh nhấn mạnh.

Dưới góc độ quản lý, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp để ghi nhận những tác động, khó khăn của doanh nghiệp nếu Hoa Kỳ vẫn áp thuế suất cao. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đang theo sát diễn biến từ phía Hoa Kỳ, phối hợp với hải quan để rút ngắn thủ tục, giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật quy chuẩn và xử lý hoàn thuế kịp thời. Cụ thể, tại Chi cục Hải quan khu vực II, việc soi chiếu container đã thay thế kiểm hàng trực tiếp giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi các nước được dễ dàng hơn".

Song song đó, theo ông Vũ Đỗ Khanh, việc xây dựng năng lực logistics, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ xuất khẩu cần được đầu tư bài bản hơn. Bởi một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không thể mãi chạy theo chi phí thấp. Giá trị thật sự nằm ở năng lực thiết kế, công nghệ và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh hay tác động từ bên ngoài.

Các đơn vị thuế, hải quan... đang đẩy mạnh cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp thông quan dễ dàng, tiết kiệm chi phí.

Các đơn vị thuế, hải quan... đang đẩy mạnh cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp thông quan dễ dàng, tiết kiệm chi phí.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh có truyền thống năng động và thích ứng nhanh. Đây là thời điểm cần giữ vững bình tĩnh và quyết tâm mở rộng ra những thị trường có tiềm năng bền vững hơn. Doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, trước tiên cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các nước, thứ hai là cần tập trung đầu tư công nghệ để nâng chất sản phẩm, giảm các chi phí phát sinh...

Tình hình chính sách thuế của Hoa Kỳ dù tạm hoãn vẫn là lời cảnh báo mạnh mẽ về sự "mong manh" trong cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế nhưng vẫn cần thận trọng trước các cú sốc từ các nền kinh tế lớn. Khoảng 39% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hiện lo ngại về chính sách thuế và giá cả từ nước này.

"Trong bối cảnh đó, tư duy chủ động chuyển đổi, đầu tư bài bản và ứng dụng công nghệ đang trở thành điểm sáng. Mỗi khủng hoảng là một phép thử. Những doanh nghiệp vượt qua được biến động lần này sẽ trưởng thành hơn, có vị thế vững hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể nói, việc Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế giống như một khoảng lặng trong bản nhạc nhiều biến động. Bản lĩnh của doanh nghiệp Việt chính là phải biết tận dụng khoảng lặng ấy để tăng tốc, chuẩn bị cho chặng đường dài vươn tới những thị trường đa dạng hơn, sản phẩm giá trị hơn và một vị thế vững chãi hơn trên bản đồ thương mại thế giới,” ông Vũ Đỗ Khanh đánh giá.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-can-tai-cau-truc-nang-cao-nang-luc-de-ung-pho-voi-rui-ro-tu-thue-suat-20250416103810623.htm