Doanh nghiệp vận tải tăng tốc từ làn sóng 4.0

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp vận tải đứt gãy kết nối, doanh thu giảm sút và phải ngưng hoạt động. Tuy nhiên, thách thức cũng chính là thời cơ để doanh nghiệp thay đổi phương thức quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kết nối, quản lý phương tiện, cắt giảm các chi phí không cần thiết và chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Trụ lại vững vàng nhờ công nghệ

Công ty TNHH vận tải Thành Công (Công ty Thành Công) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành vận tải hành khách Bình Phước. Toàn công ty có trên 120 xe khách, thế nhưng nhờ nhanh nhạy đưa công nghệ trở thành một phần trong chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp này giảm bớt số lượng nhân sự trong giám sát, điều hành, từ đó cắt giảm các chi phí không cần thiết.

Doanh nghiệp vận tải hành khách trong tỉnh tận dụng sự phát triển của các nền tảng công nghệ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, hướng đến hệ thống giao thông thông minh. Trong ảnh: Một góc trên quốc lộ 14 đoạn qua nội ô TP. Đồng Xoài

Điển hình là việc gắn thiết bị định vị giám sát hành trình, camera gắn trên phương tiện giúp chủ doanh nghiệp dễ dàng quản lý hành trình của từng xe.“Dữ liệu hình ảnh xe được kết nối với thiết bị di động, máy tính nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, quản lý số lượng xe, số tuyến và thống kê nhu cầu đi lại của người dân, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách. Trong suốt hành trình, doanh nghiệp có thể biết được lái xe chạy với tốc độ như thế nào, có tuân thủ quy định an toàn hay không, cũng như thái độ phục vụ khách hàng của lái xe và tiếp viên trên xe” - chị Nguyễn Thị Mai Ly, Trưởng phòng GPS, Công ty Thành Công chia sẻ.

50% số xe của Công ty TNHH vận tải Thành Công đã được gắn camera giám sát hành trình

Sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng đặt xe thông minh, hoàn thiện phần mềm bán vé qua app và website, đặt vé xe thông minh, thanh toán online, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí in vé. Đây là ứng dụng kết hợp giữa mua vé truyền thống và hiện đại theo xu hướng công nghệ. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng tải ứng dụng, sau đó đăng ký tài khoản, chọn loại hình xe, ghế ngồi rồi chọn địa điểm đi và đến, ứng dụng sẽ thông báo giá cước để khách hàng tham khảo, đặt chuyến. Ứng dụng này có thể chạy được trên hệ điều hành IOS và Android.

Đánh giá về tính năng đặt vé trên điện thoại di động, ông Vũ Đức Huy, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú chia sẻ về trải nghiệm của mình: Tôi chỉ mất 30 giây cho việc lựa chọn loại xe, vị trí ghế là có thể bắt đầu chuyến đi của mình, không phải xếp hàng ở quầy bán vé. Tôi cũng chọn thanh toán online bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, thông tin minh bạch và an tâm. Đặc biệt, với ứng dụng này sử dụng vé điện tử, hành khách không phải dùng vé giấy, không lo mất vé hay quên vị trí chỗ ngồi.

Chuyển đổi số để cạnh tranh công bằng

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trong suốt 2 năm qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiềm lực phát triển và khả năng duy trì sản xuất của các doanh nghiệp vận tải. Muốn tồn tại, doanh nghiệp vận tải hành khách phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ để tham gia vào chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nguồn lực khách hàng. Chuyển đổi số của doanh nghiệp vận tải không còn là xu thế mà trở thành vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp vận tải hành khách.

Ông Trần Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Thành Công nhấn mạnh: “Doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ vào từng khâu nhỏ nhất, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, giảm bớt số lượng nhân sự trong công tác giám sát, giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí không cần thiết khi nguồn thu ngày càng giảm mạnh. Tận dụng sự phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn với dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách”.

Ứng dụng đặt xe thông minh, bán vé qua app và website, thanh toán online của Công ty TNHH vận tải Thành Công được nhiều hành khách lựa chọn trong thời dịch

Nói về những tiện ích của công nghệ, trong thời gian qua nhiều hãng xe cũng đã áp dụng. Như hãng taxi Mai Linh đã đưa vào sử dụng app Mai Linh, một phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Đây là ứng dụng giúp hành khách gọi xe của hãng theo dõi xe đến đón, liên lạc trực tiếp tới lái xe mà không cần qua trung gian tổng đài. Đặc biệt, khách hàng có thể xác định cước chuyến đi và lưu lại lịch sử để tìm đồ thất lạc nếu để quên trên xe.

Toàn tỉnh hiện có 29 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, với 929 phương tiện. Trong đó, vận tải hành khách bằng xe taxi 5 đơn vị; vận tải hành khách bằng xe buýt 1 đơn vị; vận tải hành khách theo tuyến cố định 12 đơn vị; vận tải hành khách theo hợp đồng 22 đơn vị. Hiện nhiều đơn vị đã lắp định vị, camera giám sát hành trình, sử dụng ứng dụng đặt xe trực tuyến - app trên điện thoại thông minh. Thông qua các ứng dụng, hành khách có thể biết hãng xe nào tiện lợi, chất lượng, giá phù hợp để ưu tiên sử dụng.

Ứng dụng công nghệ trong từng khâu quản lý được kỳ vọng sẽ là lựa chọn thông minh để các doanh nghiệp vận tải hành khách nâng cao hiệu quả trong giám sát, vận hành. Do đó, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, ngành giao thông vận tải của tỉnh cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vận tải hành khách sớm áp dụng các sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ để tận dụng tối đa nguồn lực của mình, tối ưu hiệu quả hoạt động để hướng đến đô thị thông minh.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/131170/doanh-nghiep-van-tai-tang-toc-tu-lan-song-4-0