Doanh nghiệp tham gia PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ được khấu trừ thuế gấp đôi chi phí R&D
Ngày 1/7/2025, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 180/2025/NĐ-CP, quy định cơ chế và chính sách hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị định này thiết lập hành lang pháp lý cho sự phối hợp giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư công nghệ và triển khai các sáng kiến chuyển đổi số mang tính chiến lược.
Cơ chế hợp tác được quy định linh hoạt, bao gồm: thực hiện theo Luật PPP, sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết và các hình thức khác theo quy định pháp luật.
Theo nội dung Nghị định, các lĩnh vực được ưu tiên triển khai theo mô hình PPP bao gồm công nghệ cao, công nghệ chiến lược, hạ tầng số, các nền tảng số dùng chung theo Nghị quyết số 193/2025/QH15, đào tạo nhân lực công nghệ số và công nghiệp công nghệ số, cũng như các loại hình công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phù hợp với mục tiêu phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đặc biệt, doanh nghiệp tham gia các dự án PPP trong những lĩnh vực này sẽ được hưởng một loạt ưu đãi đầu tư quan trọng.

Về chính sách thuế, doanh nghiệp được phép tính gấp đôi chi phí thực tế dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đây là mức ưu đãi đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ để khu vực tư nhân đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và hưởng các ưu đãi đầu tư khác theo pháp luật hiện hành, góp phần giảm thiểu chi phí đầu tư hạ tầng cho các dự án R&D.
Ngoài ra, doanh nghiệp tham gia PPP sẽ được công nhận quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm đổi mới sáng tạo theo các quy định pháp luật hiện hành và Điều 6 của Nghị định.
Đây là yếu tố then chốt nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư và tăng cường động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, cơ chế pháp lý cho phép chấp nhận rủi ro trong hoạt động R&D cũng được áp dụng, với quy trình đánh giá và cơ chế bảo vệ người thực hiện được quy định rõ ràng theo luật chuyên ngành.
Các hình thức hợp tác đa dạng như đầu tư PPP, liên doanh liên kết sử dụng tài sản công hoặc các mô hình hợp tác linh hoạt khác đều được hưởng các ưu đãi nói trên, đồng thời áp dụng thêm các ưu đãi theo quy định tại các điều khoản tương ứng của Nghị định.
Đáng chú ý, Nhà nước có thể đặt hàng hoặc chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa được tạo ra từ hợp tác công tư để phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt về khoa học và đổi mới sáng tạo.
Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và phân chia lợi nhuận, Nghị định quy định rõ ràng cách xác định quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ, dữ liệu và lợi ích phát sinh từ các dự án hợp tác.
Cụ thể, các phần mềm, nền tảng công nghệ, ứng dụng dữ liệu và sản phẩm khác hình thành từ quá trình hợp tác công tư sẽ do các bên thỏa thuận quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền sử dụng, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và khoa học công nghệ.
Riêng đối với dữ liệu gốc do cơ quan nhà nước tạo lập, quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Trong khi đó, dữ liệu phát sinh từ khai thác, phân tích và phát triển sẽ được xác định quyền sở hữu và quyền sử dụng theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Việc phân chia lợi nhuận sau thuế từ việc khai thác tài sản trí tuệ, dữ liệu và sản phẩm công nghệ sẽ được thực hiện theo nội dung hợp đồng hợp tác. Việc chia sẻ lợi ích phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch, tương xứng với mức độ đóng góp của mỗi bên về tài chính, công nghệ và nguồn lực.
Một điểm nổi bật khác của Nghị định là quy định về mức vốn Nhà nước có thể tham gia trong các dự án PPP khoa học công nghệ.
Theo đó, tỷ lệ vốn góp từ Nhà nước có thể lên đến 70% tổng mức đầu tư của dự án, nhằm hỗ trợ chi phí xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng và các hạng mục hạ tầng quan trọng.
Ngoài phần vốn này, các dự án còn có thể nhận được tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí nghiên cứu, đổi mới sáng tạo từ ngân sách Nhà nước, theo quy định tại Điều 22 của Nghị định. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
Trong giai đoạn ba năm đầu kể từ khi vận hành, nếu doanh thu thực tế của dự án PPP thấp hơn mức doanh thu dự kiến trong phương án tài chính, dự án sẽ được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro với Nhà nước ở mức tối đa.
Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phần chênh lệch giảm doanh thu trong trường hợp có sự chênh lệch âm giữa thực tế và kế hoạch tài chính, với điều kiện dự án đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 82 Luật PPP.
Nếu sau ba năm, doanh thu thực tế vẫn không đạt 50% doanh thu trong phương án tài chính, nhà đầu tư có quyền đề xuất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Khi đó, toàn bộ tài sản hình thành từ dự án sẽ được chuyển giao cho Nhà nước, còn sản phẩm khoa học, công nghệ được xử lý theo các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP.
Nghị định số 180/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Riêng các quy định tại Điều 6, Điều 19 và Điều 22 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2025.