Doanh nghiệp phản ánh gặp trưởng, phó phòng khó hơn gặp giám đốc sở

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, có doanh nghiệp phản ánh, gặp trưởng, phó phòng khó hơn gặp giám đốc sở.

Sáng 3/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội, đại biểu Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội (tổ Gia Lâm) đề nghị người đứng đầu các sở, ngành, địa phương quan tâm đôn đốc đội ngũ trưởng, phó phòng, bộ phận tham mưu, tránh xảy ra tình trạng như doanh nghiệp phản ánh “gặp trưởng, phó phòng khó hơn gặp giám đốc”.

Đại biểu Vũ Đức Bảo cho rằng, chỉ số rất đáng quan tâm và cần khích lệ là chỉ số cải cách hành chính của Hà Nội đang đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Thời gian qua, thành phố tập trung thực hiện rất nhiều giải pháp về cải cách hành chính như ban hành các quy trình, quy chế, quy định và đặc biệt là phân cấp, ủy quyền.

“Tôi cho rằng đây là nỗ lực đáng ghi nhận của thành phố”, đại biểu nói.

Hà Nội tập trung đào tạo cán bộ theo vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. Cán bộ trên địa bàn thành phố hiện có 2 nhóm, trong đó có nhóm thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố rất quan tâm đến cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

Đại biểu Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội trả lời chất vấn.

Đại biểu Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội trả lời chất vấn.

Ông Vũ Đức Bảo cho biết, chưa hết nhiệm kỳ, thành phố đã thay thế 3 giám đốc sở, trưởng các ngành chủ chốt. Đối với cấp huyện, thành phố đã thay thế, chuyển đổi 6 chủ tịch UBND huyện. Đến nay, 6 địa phương này đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là khâu giải quyết thủ tục hành chính.

Do đó, đại biểu Bảo cho rằng, đang có vấn đề thuộc về trách nhiệm các cơ quan tham mưu, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành thuộc thành phố.

"Tôi và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã dự một buổi thanh tra công vụ, đến mức Chủ tịch phải chỉ đạo thay thế một số chuyên viên, một số trưởng, phó phòng không làm việc, đùn đẩy, né tránh", ông Bảo nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, UBND thành phố, các sở, ngành rất quyết tâm nhưng cơ quan tham mưu, cơ quan tổ chức thực hiện càng có trình độ thì việc "lách luật, uốn éo" văn bản cho doanh nghiệp càng phức tạp. Thậm chí, có doanh nghiệp nói rằng, gặp trưởng, phó phòng, chuyên viên còn khó hơn gặp giám đốc sở.

Do đó, ông Bảo đề nghị thủ trưởng các ngành và lãnh đạo quận, huyện phải xác định trách nhiệm của mình với tư cách người đứng đầu trong việc đôn đốc, kiểm soát công việc và giải quyết xử lý công việc của cấp dưới thuộc thẩm quyền.

Tại buổi chất vấn, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) băn khoăn về một số chỉ số cải cách hành chính vừa qua của thành phố bị tụt hạng so với các tỉnh, thành. Điều này khiến ông thắc mắc vì "không thể nào trình độ cán bộ, công chức các cấp ở Thủ đô lại thấp hơn các tỉnh, thành".

Đại biểu đặt câu hỏi: "Thành phố của chúng ta có chương trình gì đào tạo, hay có chỉ số gì để đánh giá về cán bộ công chức không những làm việc bằng tri thức mà làm việc bằng trái tim hay không?".

Trả lời nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước nếu không làm tốt sẽ làm giảm niềm tin, cản trở sự phát triển của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trả lời đại biểu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trả lời đại biểu.

Về các chỉ số giảm, ông Hải nói UBND TP Hà Nội đã họp và đánh giá chi tiết từng chỉ số thành phần.

"Có nhiều chỉ số chúng ta tăng lên, nhưng tăng chậm hơn các địa phương khác, có nhiều chỉ số lại giảm. Rõ ràng sự nỗ lực cố gắng và nguyên nhân cần phải đánh giá rất rõ việc lý do tại sao Hà Nội có tăng điểm nhưng chỉ số xếp hạng lại giảm.

Quan điểm chỉ đạo của thành phố là phải đo đếm được, đo lường được các chỉ số theo tuần, tháng, quý để từng đơn vị nhìn thấy được mình đang đứng ở đâu nhằm so sánh với các đơn vị khác để phấn đấu", ông Hải nói.

Để cán bộ "làm việc bằng trái tim", theo ông Hải, thành phố luôn xác định cán bộ, công chức làm việc theo "3 nguyên tắc, 7 phấn đấu". Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là thượng tôn pháp luật nhưng cũng phải luôn luôn lắng nghe và đồng thời có thái độ phục vụ tốt với người dân, doanh nghiệp.

"Tức là công chức phải làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhưng phải luôn lắng nghe bởi trong thực tiễn có nhiều vấn đề còn vướng mắc, bất cập. Điều quan trọng nữa là thái độ, tinh thần phục vụ. Nếu chúng ta làm việc bằng trái tim, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tăng lên, đồng thời sẽ tạo được niềm tin. Từ đó sự hài lòng của người dân đối với hệ thống chính quyền sẽ rất tốt", ông Hải nói.

Minh Tuệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/doanh-nghiep-phan-anh-gap-truong-pho-phong-kho-hon-gap-giam-doc-so-ar881206.html