Doanh nghiệp Nhà nước phải có ý chí, khát vọng để phát triển đất nước hùng cường

Chiều 16-1, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự.

NDĐT- Chiều 16-1, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban QLVNN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự.

oPhát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ủy ban QLVNN sau hơn một năm đi vào hoạt động đã có những kết quả nền tảng cơ bản, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước năm 2019. Thủ tướng nêu rõ, kinh tế nhà nước có vị thế quan trọng trong điều hành, phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Năm qua, chúng ta đã hoàn thành tốt, toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng… mà Đảng, Nhà nước giao phó. Trong thành công này, nổi bật là tăng trưởng cao, không thể thiếu vai trò của các tập đoàn, tổng công ty (TĐTCT); kinh tế vĩ mô ổn định, ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm, thu ngân sách vượt dự toán cũng có vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bên cạnh đó là giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động; cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đất nước. “Trong thành tựu chung có vai trò, đóng góp quan trọng của Ủy ban QLVNN, các DNNN”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ: Năm 2019, Ủy ban QLVNN đã tập trung chỉ đạo; các DNNN đã phấn đấu nỗ lực hết mình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Các TĐTCT nhà nước đều bảo đảm tăng doanh thu, lợi nhuận, vốn điều lệ nhà nước được bảo toàn và phát triển. Nhiều TĐTCT đã vượt mọi khó khăn, đóng góp quan trọng vào NSNN. Nếu không có sự đóng góp của lĩnh vực điện, than, dầu khí, hóa chất, hàng không, bưu chính viễn thông thì rất khó khăn, vì đây là lĩnh vực lan tỏa; góp phần bảo đảm ổn định vĩ mô. Nếu không có các DNNN thì không bảo đảm ổn định thị trường. Đây là việc Chính phủ đánh giá cao, là nhiệm vụ rất quan trọng của TĐTCT. Nhiều TĐTCT đã đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo sức lan tỏa trong lĩnh vực này. Thủ tướng đánh giá cao các TĐTCT quan tâm đời sống CBCNV, công tác an sinh xã hội vùng sâu vùng xa, hải đảo… Các TĐTCT cũng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất mà Chính phủ giao như những lúc thiên tai; phối hợp tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là cố gắng lớn. Ủy ban QLVNN đã có nhiều cố gắng, nhiều việc quan trọng, đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội: cơ bản hoàn thiện cơ cấu tổ chức nội bộ, kết nối trục liên thông văn bản Chính phủ điện tử; đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, ứng dụng công nghệ hiện đại. Ủy ban QLVNN bước đầu đã thực hiện tốt quyền chủ sở hữu các TĐTCT được bàn giao về Ủy ban, hạn chế các khó khăn, vướng mắc. Tiếp nhận vị trí cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 12 dự án yếu kém ngành công thương. Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác phản biện của Ủy ban và mong những phản biện phản ánh sát thực tiễn hơn.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban QLVNN và cho rằng Ủy ban đã nhìn nhận thẳng thắn những bất cập, yếu kém như chậm xử lý các dự án yếu kém, cổ phần hóa các DNNN; vẫn còn TĐTCT làm ăn thua lỗ, việc sắp xếp nhà đất trong DNNN chưa làm tốt; cán bộ tập đoàn chậm được củng cố, chậm thay cán bộ yếu kém, chưa thực sự bám thực tiễn; chất lượng thẩm định, phê duyệt một số dự án đầu tư còn thấp. Thủ tướng lưu ý, năm 2019, tất cả các TĐTCT không đạt kế hoạch đầu tư phát triển. Đây là nền tảng rất quan trọng cho phát triển, cho nên phải rút kinh nghiệm vì nếu không đầu tư phát triển thì sẽ thất bại ngay tại sân nhà.

Thủ tướng cũng nêu, một số cơ chế, chính sách quy định về chức năng đầu tư còn chồng chéo, chưa rõ ràng mà chính Ủy ban QLVNN chưa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội để sửa đổi. Thủ tướng cũng chia sẻ những nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng trách nhiệm của cán bộ đảng viên phải được làm rõ, do đó phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Những vấn đề gì cấp bách cần phối hợp thì Chủ tịch Ủy ban phải chủ trì và xử lý nhanh. Do đó hợp tác giữa các TĐTCT và các bộ, ngành là hết sức quan trọng. Không để tình trạng quan liêu giấy tờ.

Nhân hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, phải chấn chỉnh, phối hợp tốt hơn với Ủy. ban, hỗ trợ các TĐTCT trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không được đùn đẩy trách nhiệm. Định kỳ Chủ tịch Ủy ban phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ những đơn vị, bộ ngành nào chậm phối hợp. Thủ tướng đề nghị Ủy ban, các bộ, ngành, Chủ tịch các TĐTCT, đổi mới tư duy chiến lược, thể hiện thần kiến tạo, vì lợi ích chung, không né tránh trách nhiệm, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh có nhiều sự kiện trọng đại song cũng có nhiều thử thách nhưng tinh thần Nghị quyết của T.Ư là phải bảo đảm tốt hơn năm qua. Do đó, các TĐTCT phải thực hiện công việc tốt hơn, cố gắng nhiều hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn, hạn chế yếu kém, thay đổi tư duy cách làm để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước.

Khẳng định DNNN tiếp tục là công cụ quan trọng của Nhà nước để bảo đảm kinh tế vĩ mô, đi tiên phong trong thúc đẩy khoa học công nghệ, Nhà nước không thể thiếu vắng các “quả đấm thép”, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban QLVNN cần đổi mới tư duy, thực hiện tốt nhiệm vụ chủ sở hữu vốn nhà nước, tạo môi trường điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho DNNN phát triển. Hoạt động của Ủy ban phẩi gắn với DNNN về mọi mặt, tạo thuận lợi cho các TĐTCT, ngược lại các TĐTCT cũng phải tạo thuận lợi cho Ủy ban.

Về các giải pháp để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nhất trí với những giải pháp và kiến nghị của Ủy ban QLVNN. Đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các bất cập, không vin vào những lạc hậu mà phải có sự vận dụng, áp dụng thể chế đúng pháp luật. Rà soát, hoàn thiện chức năng của Ủy ban, có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, TĐTCT. Bảo đảm hiệu quả đồng vốn của Nhà nước, chú ý công tác cán bộ, lựa chọn người có đức, có tài vào làm việc tại Ủy ban. Thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của cơ quan sở hữu, xử lý dứt điểm các việc nhận bàn giao, đặc biệt là vấn đề đầu tư của các TĐTCT. Tập trung giải quyết những vấn đề các TĐTCT xin ý kiến về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ… Nhấn mạnh đến công tác cán bộ, Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh, cán bộ nào thấy không đáp ứng được thì chủ động xin thôi việc để tạo điều kiện cho những người có năng lực vào bộ máy. Thủ tướng đề nghị Ủy ban cần ban hành tiêu chí quản lý hiện đại, thông minh, cải cách thủ tục hành chính. Các TĐTCT phản ánh kịp thời các khó khăn và vướng mắc với Ủy ban. Thủ tướng giao Ủy ban QLVNN xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ trong năm nay. Trình kế hoạch hoạt động của Ủy ban thời gian tới để xử lý. Kiện thoàn đội ngũ cán bộ quản lý các TĐTCT nhất là nơi khuyết chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Làm tốt công tác quy hoạch, có kế hoạch thay thế cán bộ, không để khoảng trống quyền lực. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, Tổng giám đốc, Chủ tịch phải là vì lợi ích của Đảng, Nhà nước, vì nhân dân, quán triệt đội ngũ cán bộ tinh thần này.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các TĐTCT, tất cả hệ thống DNNN nói chung, kể cả những doanh nghiệp chưa chuyển giao về Ủy ban, tập trung hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước, nghiên cứu đầu tư các dự án hiệu quả. Đổi mới quản trị DNNN theo hướng hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng KHCN, ứng dụng công nghệ, kinh tế số, để nâng cao năng suất lao động.

Thủ tướng lưu ý không để thất thoát vốn nhà nước trong quá trình kinh doanh, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN; thực hiện công khai minh bạch, các doanh nghiệp phải lành mạnh hóa tình hình tài chính. Chủ động đón góp vào những giải pháp ổn định vĩ mô, ổn định thị trường giá cả, phòng vệ gian lận thương mại, xuất xứ, công khai minh bạch thông tin. Lưu ý xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, không để tình trạng tham nhũng trong DNNN. Không để tình trạng “sân trước vườn sau”. Xử lý nghiêm các sai phạm. Chỉ đạo tổ chức tốt Đại hội đảng các cấp tại Ủy ban và các TĐTCT; chống suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”…

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Hoàng Anh cho biết, sau hơn một năm hoạt động, Ủy ban đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Quan hệ công tác giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã dần đi vào nề nếp, theo đúng quy định của pháp luật; định hình ngày một rõ hơn quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Năm 2019, đa số tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước đều hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các chỉ tiêu do Ủy ban giao; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Cụ thể: Tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1.478.949 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2018. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỷ đồng, tăng 28% kế hoạch năm. Tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt 221.108,68 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu của một số sản phẩm của một số DN do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt 2 tỷ 224 triệu USD. Ủy ban cũng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xử lý những vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư phát triển của các DN, đưa vào vận hành nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó có trên 4000 MW điện mặt trời; triển khai nhiều dự án quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng quốc gia trong tương lai; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và các thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành... Về công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất trong các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xây dựng phương án sử dụng đất trước khi tiến hành cổ phần hóa (CPH) đối với các DN. Kết quả đạt khoảng 20% khối lượng công việc trong tổng số khoảng 2.000 địa điểm phải rà soát. Chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Lũy kế đến ngày 31-12-2019, SCIC đã tiếp nhận 13 DN với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 35/62 DN với tổng vốn nhà nước 10.742 tỷ đồng. Chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

HÀ THANH GIANG – TÔ HÀ. Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42961502-doanh-nghiep-nha-nuoc-phai-co-y-chi-khat-vong-de-phat-trien-dat-nuoc-hung-cuong.html