Đoàn kiểm tra phòng chống thiên tai Trung ương làm việc tại tỉnh Ninh Bình

Ngày 8/11, đoàn kiểm tra phòng chống thiên tai (PCTT) Trung ương do đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn cùng đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & PTNT đã về làm việc tại tỉnh.

Đoàn kiểm tra công tác PCTT tại huyện Kim Sơn.

Tiếp đón và làm việc với đoàn có: Đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở Kế hoạch &Đầu tư; Nông nghiệp & PTNT, Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Nội dung kiểm tra của Đoàn bao gồm: Công tác kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban chỉ huy PCTT&TKCN, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN. Công tác chuẩn bị và thực hiện phương án ứng phó với các loại hình thiên tai của địa phương với trọng tâm là phương án huy động lực lượng, phương tiện, di dân và phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu trên địa bàn; công tác PCTT theo phương châm 4 tại chỗ khi đối phó với bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất.

Công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai, kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc; kết quả sử dụng kinh phí để khắc phục hậu quả của thiên tai. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 18/6/2019 của Chính phủ về công tác PCTT; Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Kết quả thực hiện nâng cao năng lực của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN địa phương. Việc xây dựng củng cố lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thực cho công đồng về PCTT. Công tác xây dựng, rà soát, cập nhật, bổ sung và triển khai thực hiện kế hoạch PCTT.

Việc triển khai thực hiện tiêu chí 3.2; Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh theo quy định về PCTT tại chỗ trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Việc thành lập, thu và sử dụng quỹ PCTT…

Những nội dung trên đã được báo cáo, trao đổi khá chi tiết tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Năm 2019, Ninh Bình chưa bị ảnh hưởng nhiều của bão lũ; các dạng thiên tai khác (nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn…) đã có, nhưng ảnh hưởng không lớn. Đối với công tác PCTT, địa phương đã làm khá tốt.

Về các kiến nghị của tỉnh, đồng chí Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn đã giải trình cụ thể; đồng thời ghi nhận, tiếp thu để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về PTCT & TKCN.

Đồng chí Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cảm ơn đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh về công tác PCTT nhằm giúp cho tỉnh đánh giá đúng và sát về công tác này, nhìn thấy những mặt được và chưa được. Đoàn đã có những ý kiến đánh giá sát thực về công tác PCTT của tỉnh; chia sẻ, động viên những khó khăn, bất cập. Sự quan tâm ủng hộ của Trung ương nói chung và đoàn công tác nói riêng là động lực quan trọng để Ninh Bình làm tốt hơn nữa công tác PCTT trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

*Buổi chiều cùng ngày, đoàn đã làm việc với huyện Kim Sơn và đi kiểm tra thực tế đê biển Bình Minh IV.

Kim Sơn là huyện ven biển của tỉnh Ninh Bình có gần 20 km giáp biển nên được coi là vùng trọng điểm của tỉnh trong công tác PCTT & TKCN, nhất là đối với loại hình thiên tai bão gió, nước biển dâng.

Huyện Kim Sơn xác định các điểm xung yếu là tuyến đê biển Bình Minh II, Bình Minh III, kè Chính Tâm, các cống Chất Thành, Quy Hậu, Lạc Thiện, Kim Đài và Tùng Thiện, vùng kinh tế mới gồm ba xã Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải.

Với phương châm, tích cực chủ động phòng là chính, huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn và trọng điểm; đồng thời tiến hành kiểm tra chất lượng các công trình đê, kè, trạm bơm tiêu phục vụ PCLB, triển khai phương án đảm bảo an toàn khu vực nuôi trồng thủy sản và sơ tán nhân dân, xử lý có hiệu quả khi có sự cố sạt lở đê, đảm bảo 100% dân cư trong vùng bị ảnh hưởng tránh trú an toàn.

Huyện đã tổ chức hiệp động chặt chẽ với các đơn vị quân đội trên địa bàn để sẵn sàng chi viện kịp thời cả về lực lượng lẫn phương tiện để cùng với địa phương tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Các xã, thị trấn tổ chức từ 2 - 4 tổ tuần tra canh gác đê điều, mỗi tổ từ 2 - 4 người và 1 lực lượng xung kích hộ đê cứu hộ, cứu nạn gồm 100 người trực tại các vị trí gần trọng điểm để ứng cứu đê điều khi có sự cố xảy ra. Thực hiện tốt công tác 4 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên người dân cũng đã nâng cao nhận thức chủ động PCLB, không chủ quan lơ là, chuẩn bị đầy đủ những điều khiện cần thiết như bao cát, đất, cọc tre…để khi có bão về không bất ngờ mà chủ động đối phó.

Đinh Chúc- Trường Giang

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/ioan-kiem-tra-phong-chong-thien-tai-trung-uong-lam-viec-tai-tinh-ninh-binh-20191108071151473p2c20.htm