Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh

Ngày 13/6, tại Hà Nội, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về một số nội dung liên quan đến thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác 626 tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Tổ phó Tổ công tác 626 Hồ Đại Nam tham dự làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Tuấn Nghĩa

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: Tuấn Nghĩa

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tháng 2/2022, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) đã ký biên bản thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao 2 tỉnh, trong đó có nội dung: “Hai bên thống nhất phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù trình Bộ Chính trị, Chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh.

Theo đó, hai bên đã thành lập tổ công tác và triển khai các nhiệm vụ như phối hợp nghiên cứu các cơ chế, chính sách áp dụng tại khu kinh tế; điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Densavanh phù hợp với định hướng phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh thu hút đầu tư vào khu kinh tế này.

Việc nghiên cứu thí điểm xây dựng khu kinh tế qua (xuyên) biên giới là chủ trương đã được Bộ Chính trị và Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào thống nhất, nội dung này cũng đã được Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã xác định: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông - Tây”; tiếp đó là chủ trương của hai Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Với các chính sách ưu đãi được đề xuất áp dụng thí điểm sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam đã khái quát quá trình nghiên cứu triển khai, các kết quả đạt được và đề xuất một số nội dung của dự thảo Hiệp định về thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh.

Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc đánh giá cao cách lựa chọn phương án triển khai theo từng bước, từ dễ đến khó để có bước đi phù hợp; tôn trọng chủ quyền của mỗi nước và thông lệ quốc tế, hai bên cùng có lợi. Hy vọng việc thí điểm triển khai Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH của hai nước nói chung và hai địa phương nói riêng, đồng thời cho rằng, với các cơ chế chính sách được đề xuất cần phải có đánh giá cụ thể, đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cảm ơn các ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời khẳng định, tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các nội dung và đưa ra các đề xuất về cơ chế, chính sách phù hợp với pháp luật, có tính khả thi. Tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phối hợp với tổ công tác của tỉnh Savannakhet, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để rà soát các khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm cho người dân, hỗ trợ thúc đẩy phát triển KT – XH của các địa phương; khơi dậy tiềm năng, lợi thế của mỗi bên và tạo sức lan tỏa.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh Quảng Trị tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Trong đó, tập trung đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong quá trình thực hiện. Các chính sách xây dựng cần đầy đủ nội hàm, nội dung, thời gian áp dụng và đặc biệt là nêu rõ cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách theo đề xuất; đánh giá tính khả thi của các chính sách; xác định rõ nguồn lực thực hiện như tổ chức bộ máy, con người, cơ chế… và đảm bảo phù hợp với pháp luật và có tính khả thi.

Tuấn Nghĩa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su-trong-tinh/doan-cong-tac-tinh-quang-tri-lam-viec-voi-bo-ke-hoach-va-dau-tu-ve-thi-diem-xay-dung-khu-kinh-te-thuong-mai-xuyen-bien-gioi-chung-lao-bao--densavanh/177643.htm