DNA cổ xưa nhất được trích xuất từ xác một con voi ma mút niên đại hơn một triệu năm tuổi
Chiếc răng của loài voi ma mút có niên đại từ 1,2 triệu đến 1,65 triệu năm được tìm thấy trên thảo nguyên Siberia, Nga đã mang lại chuỗi DNA lâu đời nhất thế giới.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân lập DNA từ răng hàm từ ba con voi ma mút riêng biệt được thu thập dưới lớp băng vĩnh cửu ở Siberia vào những năm 1970. Họ xác định niên đại của răng bằng cách sử dụng dữ liệu địa chất và bằng cách phân tích DNA. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 17/2.
Với chuỗi DNA trích xuất từ xác con voi ma mút cổ đại, đây là lần đầu tiên DNA được phục hồi từ xác động vật hơn một triệu năm tuổi. Trước đây, mẫu DNA cổ xưa nhất thuộc về một con ngựa sống cách đây khoảng 560.000 - 780.000 năm.
Love Dalen, một giáo sư về di truyền học tiến hóa tại Trung tâm Di truyền học cổ đại Stockholm, Thụy Điển đánh giá, DNA này cực kỳ cổ xưa.
Các phương pháp phân tích dữ liệu địa chất và DNA cho thấy có sự chênh lệch về niên đại mẫu vật, tuy nhiên, các nhà khoa học kết luận, mẫu vật chí ít cũng hơn 1 triệu năm tuổi.
Được đặt tên là voi ma mút Krestovka theo địa danh mẫu vật được tìm thấy, nghiên cứu cho thấy, loài voi ma mút đặc biệt này khác xa với các loài voi ma mút Siberia khác sống cách đây hơn 2 triệu năm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù lớp băng vĩnh cửu đã giúp bảo tồn DNA, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức để trích xuất từ các mẫu DNA đã bị phân hủy thành những đoạn rất nhỏ mà các nhà nghiên cứu so sánh với một trò chơi ghép hình với hơn một tỷ mảnh ghép.
Khả năng trích xuất và phân tích DNA hàng triệu năm tuổi có thể cho phép các nhà khoa học theo dõi nguồn gốc và sự tiến hóa của nhiều loài động vật khác nhau.
Về lý thuyết, các nhà nghiên cứu cho biết có thể chiết xuất DNA từ các mẫu vật có tuổi đời 2,6 triệu năm. Đó là tuổi của lớp băng vĩnh cửu sớm nhất, nơi đất vẫn bị đóng băng giúp ngăn chặn DNA bị hủy hoại.