Điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam
Ngày 16/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế Đồng Nai về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Công văn cho biết, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin về việc nghi ngờ ngộ độc sau bữa ăn chiều ngày 15/5 tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam ở Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, ghi nhận có gần 100 ca đau bụng, tiêu chảy, nôn ói đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom.
Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện tuyến trên.
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể Công ty TNHH Dechang Việt Nam, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
“Phối hợp với các ngành chức năng truy xuất nguồn nguyên liệu đến tận nơi cung cấp. Nếu cơ sở cung cấp không thuộc địa bàn của tỉnh thì phải có công văn khẩn gửi Sở Y tế nơi có cơ sở cung cấp nguyên liệu để kiểm soát và lấy mẫu nguyên liệu, đồng thời báo cáo ngay về Cục An toàn thực phẩm để kịp thời chỉ đạo”, công văn nêu rõ.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Trảng Bom đang làm việc với đơn vị cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH Dechang Việt Nam. Đồng thời thu giữ các mẫu thực phẩm của công ty cung cấp suất ăn.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, khoảng 19h ngày 15/5, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom tiếp nhận đông bệnh nhân vào nhập viện với các triệu chứng gồm: nôn, đau bụng, chóng mặt, một số người bị sốt.
Bước đầu xác định, trong bữa trưa cùng ngày tại công ty, thực đơn là các các món thịt heo kho dưa, chả cá chiên, canh bầu, rau cải thảo luộc.
Bữa chiều tăng ca từ 16h15 đến 18h, có 400 người ăn món mì quảng gà và bánh đa gà. Sau khi ăn, nhiều công nhân có biểu hiện nôn ói đau bụng nên được đưa vào viện cấp cứu.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho hay, đến chiều 16/5, tình trạng sức khỏe của các công nhân đã ổn định, nhiều người đã được xuất viện.
Trung tâm đã huy động gần 60 nhân viên y tế để xử lý các ca nhập viện trong ngày 15/5. Sở Y tế Đồng Nai cũng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan điều tra, phân tích dịch tễ tìm nguyên nhân gây ra vụ nghi ngộ độc này.
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong quý I/2024, toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 637 người mắc và 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 3 vụ, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật và độc tố tự nhiên.
Trong tháng 4/2025 cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 267 người bị ngộ độc. Vào đầu tháng 5, lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, đáng chú ý là vụ ngộ độc khiến 568 người phải nhập viện ở Đồng Nai, vụ hơn 300 công nhân ở Vĩnh Phúc nhập viện và mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khiến hơn 100 công nhân phải vào viện điều trị.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vi khuẩn Salmonella gần đây đã xuất hiện liên tục trong các vụ ngộ độc lớn ở Việt Nam.
Salmonella là thủ phạm khiến hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng ở Quảng Nam và nhiều vụ ngộ độc tập thể ở Nha Trang, trong đó có vụ hơn 360 người phải nhập viện sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh, đường Bà Triệu và hơn 600 học sinh, cán bộ nhân viên trường Ischool Nha Trang nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó có 1 ca tử vong; vụ ngộ độc sau đêm trung thu ở TP.HCM.
Vi khuẩn Salmonella thường gây ra bệnh tiêu chảy, nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm máu, xương và khớp xương.
Mùa hè nắng nóng với nền nhiệt độ cao rất dễ khiến thức ăn bị ôi thiu, nhiễm vi khuẩn, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao, không chỉ từ các bữa ăn tập thể mà còn ở từng gia đình.
Vì vậy, để phòng bệnh, người dân phải ăn chín, uống sôi, thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường và siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, đừng thả nổi để người dân phải gánh hậu quả nặng nề.
Theo Cục An toàn thực phẩm, năm 2023, toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng tăng so với năm 2022.