Điều tra Công ty Cây xanh Công Minh; 'vua đào hầm' xoay tiền làm 400km cao tốc

Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án Aqua City; 'vua đào hầm' Đèo Cả muốn xây 400km cao tốc; đang điều tra Công ty Cây xanh Công Minh; thanh tra thị trường vàng... là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án Aqua City, chủ đầu tư lỗ gần 1 tỷ đồng/ngày

CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) vừa có văn bản phản hồi về việc Công an TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu đô thị Aqua City. Aqua City từng được Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn khẳng định là "dự án mấu chốt, mang tính sống còn của Novaland".

Dự án do Công ty TNHH Thành phố Aqua - công ty con của Novaland - làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Thành phố Aqua đã có hai năm thua lỗ liên tiếp kể từ khi công bố thông tin. Năm ngoái, Aqua City lỗ hơn 359 tỷ đồng, tương đương âm gần 1 tỷ đồng mỗi ngày.

Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Aqua City đạt mức 1.131 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 10,09 lần, tương ứng số nợ phải trả khoảng 11.400 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng gần 2.400 tỷ đồng. (Xem chi tiết)

Khu đô thị Aqua City. Ảnh: Anh Phương

Đang điều tra Công ty Cây xanh Công Minh: Trúng thầu 'vô địch' 172/209 gói thầu

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa yêu cầu một loạt địa phương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị liên quan đến Công ty TNHH Cây xanh Công Minh (có trụ sở tại tỉnh Bình Phước).

Công ty TNHH Cây xanh Công Minh đã tham gia 228 gói thầu tại khắp các tỉnh, thành với tỷ lệ trúng thầu cao. Loại trừ các gói thầu chưa có kết quả, bị hủy, tỉ lệ trúng thầu của Công Minh là 172/209 gói thầu, tương đương hơn 82%. (Xem chi tiết)

'Vua đào hầm' Đèo Cả làm gì để có hàng tỷ USD xây 400km cao tốc?

Tại hội nghị gần đây, Đèo Cả cho hay, dự kiến đến năm 2030, tập đoàn này đầu tư khoảng 400km đường cao tốc và đường vành đai, với tổng vốn hơn 94.000 tỷ đồng. Tập đoàn Đèo Cả đã được chọn làm nhà đầu tư đề xuất tại các dự án như Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2,...

Giải pháp được Đèo Cả đưa ra là áp dụng mô hình hình PPP++ nhằm đa dạng hóa mô hình huy động vốn từ vốn ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Bên cạnh đó, các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC) hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC). (Xem chi tiết)

Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD vào năm 2030

Theo nghị quyết vừa ban hành của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do tổ chức uy tín bình chọn.

Theo danh sách tỷ phú USD của Forbes, Việt Nam hiện có 6 người. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast với 4,4 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet với 2,8 tỷ USD), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát HPG, 2,6 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank, 1,7 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group, 1,2 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (Thaco với 1,2 tỷ USD). (Xem chi tiết)

Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 70 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD

Ngày 10/5, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Chương trình hành động của Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước. Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD. (Xem chi tiết)

Nếu vi phạm nhiều lần, sầu riêng sẽ bị Trung Quốc ‘tuýt còi'

Sản lượng tăng mạnh, nông dân và doanh nghiệp cần kiểm soát tốt vấn đề dịch hại để đảm bảo quy định ở nghị định thư. Ảnh: Mạnh Khương

Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy, diện tích và sản lượng sầu riêng của nước ta tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015, diện tích cây ăn quả này chỉ dừng ở con số 31.900ha, sản lượng 366.300 tấn; đến năm 2023 diện tích sầu riêng vọt lên 150.800ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn.

Đáng lưu ý, sầu riêng Việt Nam chiếm lợi thế lớn ở thị trường Trung Quốc. Nhưng nếu không kiểm soát chặt vấn đề kiểm dịch thực vật, để vi phạm thì sầu riêng Việt có thể bị quốc gia này tạm dừng nhập. (Xem chi tiết)

Toàn cảnh tranh luận để Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Rạng sáng 9/5 theo giờ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe tranh luận của các bên về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là một phiên thảo luận quan trọng để Mỹ cân nhắc nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường vào ngày 26/7 tới.

Theo Reuters, đại diện Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã đáp ứng 6 tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ cho việc trở thành một nền kinh tế thị trường. (Xem chi tiết)

Thanh tra thị trường vàng, có dấu hiệu vi phạm chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thanh tra, kiểm tra thị trường vàng; quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an để xử lý. (Xem chi tiết)

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-ty-cay-xanh-cong-minh-bi-dieu-tra-vua-dao-ham-lam-400km-cao-toc-2279941.html