Điều kỳ diệu của cô gái 31 tuổi sau khi cắt bỏ dạ dày

Sống với cơ thể không còn dạ dày, Thái Hà trở về những ngày tháng tập ăn, tập uống như trẻ con.

Thái Hà nằm trên giường bệnh, cảm nhận cơn đau dữ dội từ bên trong, như thể lục phủ ngũ tạng đang bị ai đó bóp chặt, xoắn tít lại.

Ôm lấy chiếc bụng quặn thắt sau ca phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn dạ dày, cô hiểu rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho những tháng ngày đớn đau sắp tới.

Những cơn đau lúc tờ mờ sáng

Từ những năm cấp 2, Nguyễn Thái Hà (34 tuổi, Hưng Yên) đã lờ mờ thấy những điểm lạ trong sức khỏe của mình. Dạ dày của Hà thường quặn lên, trào ngược chẳng rõ nguyên nhân. Cô thường truy lại chế độ sinh hoạt của mình để tìm lời giải. Thế nhưng, với thói quen ăn uống lành mạnh và hạn chế thức khuya, Hà thường tự kết luận “có lẽ không phải do lối sống”.

Năm 2022, Thái Hà mang thai con đầu lòng. Những tháng cuối cùng của thai kỳ, thai nhi to dần, bắt đầu chèn ép các cơ quan nội tạng khác khiến tình trạng trào ngược nặng hơn. Cô cảm nhận rõ từng đợt sôi sùng sục, bỏng rát cả nội tạng. Đồng hồ điểm 2-3h sáng cũng là lúc thứ dịch đắng nghét trào đến cổ họng.

“Tôi phải ngủ ngồi, mỗi khi trào ngược thì chỉ biết cố nuốt xuống”, Hà nhớ lại.

Cơn đau ập đến, tay Hà lại run run dốc ngược lọ thuốc giảm đau dạ dày, lấy đúng một viên. Cô không dám uống nhiều hơn, bất kể việc một viên thuốc giảm đau chẳng thấm vào đâu. Với Hà, đứa trẻ trong bụng là quả ngọt của 5 năm chờ đợi, của hàng trăm lần cầu nguyện với ơn trên.

Con tròn 18 tháng tuổi, Hà phát bệnh nặng hơn. Hết cách, cô đành đến bệnh viện. Trên ảnh nội soi, dạ dày Hà lúc này đã sùi bọt, lở loét. Vây quanh chiếc dạ dày rướm máu là hàng chục tổ chức hạch, sắp di căn ra ổ bụng.

Thái Hà trước và sau ca phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.

Thái Hà trước và sau ca phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.

Cầm trên tay kết quả khám bệnh ghi rõ ràng “ung thư dạ dày giai đoạn 3B”, đầu Hà nghĩ không dứt về sự ra đi của bà ngoại và cậu, cũng bởi căn bệnh quái ác này. Hai lần chứng kiến người thân nhận “án tử” dạy Hà tâm thế bình thản đối mặt với mọi biến cố xảy đến trong đời. Cô không thấy sợ, bởi “đằng nào bệnh thì cũng đã bệnh rồi”.

Thế nhưng, những người chưa từng đối mặt với chia ly lại đón nhận sự thật này một cách khó khăn hơn. Tối đó, Hà nhớ như in khoảnh khắc mẹ chồng và chồng ôm nhau khóc. Cô chắc mẩm những ngày sắp tới mình không hề đơn độc.

Cắt bỏ một phần cơ thể

Không kịp chuẩn bị bất cứ hành trang nào, Hà bị cuốn vào cuộc chiến dai dẳng với ung thư, nơi mọi thứ đều khó lường.

Tròn 5 ngày sau khi nhận chẩn đoán, cô trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày và vét 27 hạch, trong đó có 2 hạch chứa tế bào ung thư.

Ba ngày đầu tiên sống mà không có dạ dày, Hà không được ăn uống, nhưng thực chất cô cũng chẳng còn sức để ăn. Những chai “đạm” được truyền liên tục, trở thành nguồn sống duy nhất neo giữ cô lại.

 Hà mừng sinh nhật với bạn bè trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Hà mừng sinh nhật với bạn bè trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Thuốc tê màng cứng dần tan, những ngày “đau đớn và khủng khiếp nhất đời” mới thực sự bắt đầu.

Hà ôm bụng nằm trên giường bệnh, cảm giác như lục phủ ngũ tạng bị siết chặt, quặn thắt từng cơn. Trong khoảnh khắc ấy, cô dường như lờ mờ nhìn thấy hình hài của ung thư - thứ không chỉ hủy hoại cơ thể mà còn bào mòn cả ý chí.

Vết mổ chưa kịp lành, Hà đã bước vào quá trình hóa trị kéo dài 6 toa. Khi mũi kim to gần bằng đầu bút bi đâm thẳng vào động mạch bẹn để truyền hóa chất, cô cảm giác như dòng điện chạy xuyên qua cơ thể. Những đợt truyền đầu tiên vắt kiệt sức lực, cổ họng nghẹn ứ vì buồn nôn, còn tay chân thì run rẩy không kiểm soát.

Sau phẫu thuật, Hà buộc phải ăn cháo loãng trong thời gian dài. Không còn dạ dày, thức ăn trôi thẳng xuống ruột non mà không qua quá trình tiêu hóa thông thường. Chưa kịp thích nghi với sự thay đổi này, các cơ quan nội tạng "phản đối" bằng những cơn đau âm ỉ.

Chỉ cần hôm nay còn hiện diện, còn thở, còn cảm nhận được yêu thương - đó đã là một món quà vô giá

Nguyễn Thái Hà

"Thời điểm đó, uống một ngụm nước nhỏ cũng nghẹn", Hà nhớ lại.

Vài tháng sau, khi đã "ngán cháo đến tận cổ", cô bấm bụng thử tìm kiếm những lựa chọn khác. Để biết cơ thể mình có thể dung nạp những gì, Hà tự thực hiện phép thử "ăn dè chừng" - từng chút một, quan sát phản ứng. Những lần bụng quặn đau, nhói ran giúp cô nhận ra mình không thể dung nạp lactose, sữa bò và mỡ lợn.

Nhìn vào gương, cô thấy mình gầy rộc, tiều tụy, trên ngực là vết sẹo dài kéo từ ngực xuống rốn, tim như thắt lại. Trước khi mắc bệnh, Hà nặng 48 kg, tràn đầy sức sống. Nhưng từng đợt truyền thuốc như bào mòn cô cả về thể xác lẫn tinh thần. Lần cuối cùng bước lên cân, cây kim chỉ thẳng con số 37.

Biết ơn mỗi ngày được sống

Những ngày truyền hóa chất bất tận cuốn Hà ra xa nhịp sống bình yên trước đây. Tim cô như ứa máu khi nghĩ đến những lần không thể có mặt bên con trai lúc bé bị tay chân miệng, hay khi người thân bước vào những giây phút cuối đời.

"Nhớ lại những ngày tháng ấy, có đau đớn và mệt mỏi, nhưng cũng toàn tình thương", Hà chia sẻ.

Mắc ung thư ở tuổi 31 giúp Hà nhận ra giá trị của cuộc sống.

Mắc ung thư ở tuổi 31 giúp Hà nhận ra giá trị của cuộc sống.

Chạm đáy cuộc đời, Hà không cho rằng mình bất hạnh, bởi cô tin rằng mình đã nhận được đủ đầy tình yêu thương. Không ai cần nói với ai điều gì, nhưng khi nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má người thân, khi thấy cả gia đình thay nhau chăm sóc con để cô tập trung điều trị, Hà hiểu rằng đó chính là tình yêu.

Sau 6 tháng hóa trị, cuộc đời Hà rẽ sang hai ngã. Một là ung thư thoái lui, hai là phát hiện thêm khối u bất thường, buộc cô phải tiếp tục điều trị. May mắn thay, viễn cảnh tồi tệ nhất đã không xảy ra.

"Tôi không có quá nhiều suy nghĩ khi nhận kết quả lui bệnh, cũng không vỡ òa xúc động. Chỉ đơn giản nghĩ rằng: ‘Cuối cùng cũng kết thúc rồi!’", Hà nhớ lại.

Sau bệnh, nhịp sống của cô dần trở lại như cũ, nhưng nhiều thứ đã không còn như trước đây. Cơ thể buộc phải thích nghi với một chế độ ăn hoàn toàn mới. Cô không còn thèm những món khoái khẩu như trà sữa, đồ ăn vặt. Với mỗi món ăn lạ, cô đều phải vừa ăn vừa dè chừng để xem cơ thể phản ứng thế nào.

Mất một năm để Hà có thể ăn được cơm nghiền nát, hành trình dài để dần tìm lại cảm giác quen thuộc với bữa ăn - thứ từng rất đỗi bình thường trước khi ung thư ập đến.

Trải qua lằn ranh sinh tử ở tuổi 31, cô học cách biết ơn từng khoảnh khắc, trân trọng từng ngày mà mình còn được sống.

Không còn tiếc nuối quá khứ, cũng chẳng lo lắng về tương lai xa xôi, Hà hiểu rằng chỉ cần hôm nay còn hiện diện, còn thở, còn cảm nhận được yêu thương - đó đã là một món quà vô giá. Ung thư không lấy đi của cô tất cả, mà ngược lại, dạy cô cách sống trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn.

Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mac-ung-thu-o-tuoi-31-co-gai-phai-cat-bo-hoan-toan-da-day-post1529840.html