Điều chỉnh giá nước sạch là hợp lý để nâng cao chất lượng

Kinhtedothi – Theo dự kiến, bắt đầu từ tháng 7/2023, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội sẽ được điều chỉnh sau 10 năm bình ổn giá. Theo các chuyên gia, đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao năng lực cung cấp, chất lượng nước sạch đến người tiêu dùng.

Phù hợp với thực tiễn

Sau thông tin Hà Nội chuẩn bị tăng giá nước sạch sinh hoạt, một số người dân đã không khỏi lo lắng, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tính pháp lý của vấn đề này.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, việc tăng giá nước sạch là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã đưa ra - đến năm 2025, tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%.

Khai thác nước ngầm quá đà tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sụt lún. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, ngày 28/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg vể tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. Trong đó, quan điểm, chỉ đạo, các giải pháp cụ thể là: “… ưu tiên đầu tư công trình cấp nước nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là các khu vực khô hạn thiếu nước, nhiễm mặn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo…”. Do đó, việc tăng giá nước sạch để nâng cao năng lực cấp nước, chất lượng nước phù hợp.

Mặt khác, theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có mục tiêu ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm.

Cụ thể, Hà Nội dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngày đêm; đến năm 2030 khoảng 504.000 m3/ngày đêm và đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngày đêm.

Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm… gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Do đó, việc tăng cường khai thác nguồn nước mặt để thay thế dần nguồn nước ngầm là hướng đi phù hợp. Và trong hoàn cảnh hiện nay, để thu hút được các DN tham gia sản xuất, cung cấp nước sạch thì việc tăng giá nước sạch là điều hợp lý góp phần hoàn thành các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội đã đặt ra. Bởi, nếu cứ giữ mức phí đã tồn tại cả chục năm nay, các DN sẽ không mặn mà, sẽ quay lưng với lĩnh vực này vì làm không đủ bù lỗ.

Mức tăng không tác động nhiều đến cuộc sống của người dân

Theo đề xuất của Sở Tài chính gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, thì giá nước được tăng theo lộ trong năm 2023 và 2024.

Cụ thể, trong năm 2023, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10 - 20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20 - 30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Và đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Theo Sở Tài chính, việc tăng giá nước sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Ảnh minh họa.

Sở Tài chính cho rằng, với nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành đang ở mức 100 - 150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ sử dụng 10 - 16 m3/tháng, theo đó số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Tương tự, tại khu vực nông thôn, hiện nay, mức tiêu thụ nước sạch của một hộ gia đình là 50 - 70 lít/ngày/người, tương đương 6 - 8m3/tháng… sau khi điều chỉnh, số tiền tăng thêm sẽ giao động từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng.

“Mức tăng giá nước sạch sinh hoạt theo lộ trình, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%” – đại diện Sở Tài chính cho hay.

Điều đáng nói, mặc dù có sự điều chỉnh về giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP, song Hà Nội vẫn giữa nguyên mức giá đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức giá 5.973 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên.

Bên cạnh đó, đối với người dân tại khu vực có điều kiện KT - XH khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn, TP Hà Nội đều có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân khu vực này.

Vân Nhi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dieu-chinh-gia-nuoc-sach-la-hop-ly-de-nang-cao-chat-luong.html