Điểm tựa truyền thống và nỗ lực vượt khó

Nhìn lại hành trình 78 năm ngành Tài chính Việt Nam phát triển và dựng xây, cứ mỗi khi nhiệm vụ tài chính - ngân sách phải đối mặt với những thử thách, khó khăn thì niềm tin, sự sáng tạo và tinh thần đoàn kết lại làm nên sức mạnh to lớn. Đó chính là điểm tựa, là mạch nguồn vô giá để các thế hệ cán bộ tài chính hôm nay nỗ lực vượt khó, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Sự kiện "Tuần lễ Vàng", tháng 10 năm 1945 mãi mãi là dấu son đẹp trong lịch sử lập quốc. Ảnh: TL

Dấu son trong lịch sử lập quốc

Có khó khăn nào lớn hơn sứ mệnh của những người cán bộ tài chính Việt Nam thủa Chính phủ lâm thời trong buổi đầu trứng nước. Chính quyền về tay nhân dân. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng Ba Đình. Nhưng đằng sau đó là một ngân khố trống rỗng, hậu quả của một nền kinh tế nửa thực dân phong kiến bị đô hộ và bóc lột hà khắc.

Nạn đói lịch sử vừa giết chết hơn hai triệu đồng bào. Tiếng súng xâm lược đã nổ ở Nam Bộ. Thù trong, giặc ngoài bủa vây. Làm sao phải đảm bảo nguồn tài lực để chính quyền non trẻ đủ sức giải quyết các khó khăn, đứng vững trước những thử thách ngỡ không có giới hạn?

Ngày nay, bức hình Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng cùng các nhà công thương Việt Nam tại sự kiện “Tuần Lễ Vàng”, tháng 10 năm 1945 mãi mãi là dấu son đẹp trong lịch sử lập quốc. Có thể khẳng định sự kiện “Tuần lễ Vàng” là đỉnh cao sáng tạo của những nhà tài chính tiền bối, tìm ra con đường vượt khó trước sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Cách mạng và đất nước giao phó.

Những trang sử vẻ vang

Nhìn vào hành trình 78 năm phát triển và dựng xây, có gian nan nào lớn hơn khi người làm tài chính Việt Nam vừa phải đảm bảo nguồn lực cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, vừa phải chi viện hiệu quả cho đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt. Cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc kéo dài và bước vào giai đoạn muôn vàn ác liệt, hy sinh. Trên 3.800 cán bộ tài chính đã ngã xuống khắp các chiến trường cho ngày chiến thắng. Máu đào nhuộm đỏ quân lương và những đồng bạc cách mạng.

Có đơn vị tài chính Khu V trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi chuyến vận chuyển tiếp tế về vùng đồng bằng là một lần ngầm truy điệu sống những đồng chí, đồng đội. Trong những thời khắc gian khó đó, chỉ có niềm tin vào tương lai đất nước, vào khát vọng hòa bình dựng xây non sông phồn vinh mới nhân lên sự xả thân, hy sinh, tô thắm truyền thống vẻ vang, làm nên những tráng ca trong lịch sử Tài chính Cách mạng Việt Nam.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô mít tinh ủng hộ "Tuần lễ Vàng". Ảnh tư liệu

Truyền thống 78 năm đã và đang trở thành điểm tựa vô giá và bền vững để mỗi cán bộ ngành Tài chính soi mình, nhân lên niềm tin và nỗ lực vượt khó, đóng góp xứng đáng vào thành công mới của Ngành và đất nước.

Nếu như trong kháng chiến, sự quên mình vì đồng chí, đồng đội, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, bằng mọi giá đảm bảo nguồn hậu cần như mạch máu của cơ thể, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của đất nước thì ở thời kỳ khôi phục, phát triển sau chiến tranh, lịch sử lại đặt ra những sứ mệnh mới không hề dễ dàng cho người làm tài chính các cấp.

Đất nước bị cấm vận. Chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước. Kinh tế suy kiệt bởi chiến tranh. Một lần nữa, trí tuệ của người làm tài chính các cấp đã tỏa sáng, góp phần làm nên một Khoán 10 trong nông nghiệp. Từ thực tế chính sách tài chính thí điểm khuyến khích sản xuất, kinh doanh ở Hải Phòng, Long An, những năm 1980, ngành Tài chính lại đi đầu trong tham mưu cho Đảng và Nhà nước quyết tâm mở cửa, đổi mới. Hàng loạt chính sách tài chính đúng đắn ra đời, “cởi trói” nguồn lực ngay sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986).

Và để có kết quả xử lý nợ nước ngoài thành công rực rỡ năm 1993 là “những đêm trắng” của phái đoàn tài chính ở Hội nghị Pari. Sự sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo, trí tuệ của người làm tài chính đã góp phần tích cực kịp tháo những “nút thắt” lớn, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn gian nan, bước sang thời kỳ mới.

Nhân lên sức mạnh truyền thống, lớp sau noi gương lớp trước, kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết đã thành một bề dày, giá trị văn hóa trong người làm tài chính các thế hệ. Để rồi hơn hai thập kỷ gần đây, trước nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì một Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững và hùng cường, nền tài chính quốc gia đã thực sự đổi mới, trưởng thành về mọi mặt.

Bên cạnh sự tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hệ thống tài chính các cấp được điều hành linh hoạt và hiệu quả. Chính sách tài khóa đúng đắn, phù hợp, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và tăng chi cho an sinh xã hội. Tài chính đi đầu trong sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, Tài chính đã giữ vai trò chủ công trong khoan sức dân, đảm bảo nguồn lực để Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo chống đại dịch Covid-19 hiệu quả. Ngay khi đại dịch vừa lắng, chính sách tài khóa lại tiên phong trong thúc đẩy kinh tế phục hồi. Trên lĩnh vực chuyển đổi số, cải cách hành chính theo định hướng của Chính phủ kiến tạo, ngành Tài chính luôn là cánh chim đầu đàn trong các bộ, ngành, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước và các tổ chức quốc tế.

Nội lực từ trách nhiệm, vinh dự, đoàn kết, sẻ chia

Nhân lên sức mạnh truyền thống, lớp sau noi gương lớp trước, kế thừa và phát huy tinh thần đoàn kết đã thành một bề dày, giá trị văn hóa trong người làm Tài chính các thế hệ.

Những ngày này, kỷ niệm 78 năm ngày Truyền thống của Ngành, trên sáu vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính lại một lần nữa nhận được sự khích lệ, niềm tin từ sứ mệnh cao cả mà các thế hệ lớp trước gửi trao. Thách thức, khó khăn trong một bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố phi truyền thống là không hề nhỏ.

Nền tài chính quốc gia phải đảm bảo các cân đối lớn ngày càng bền vững, có khả năng ứng phó tốt trước những biến đổi khó lường của tình hình chính trị, kinh tế - tài chính khu vực và thế giới. Hơn lúc nào hết, nội lực từ trách nhiệm, vinh dự, sự đoàn kết sẻ chia, thấu hiểu và đồng hành, không ngại khó, ngại khổ, không suy giảm nhiệt tình rèn luyện trở thành yêu cầu với cán bộ tài chính các cấp.

Ôn lại lịch sử vẻ vang, bồi đắp tinh thần nỗ lực sáng tạo cùng truyền thống đoàn kết, vượt khó hơn lúc nào hết cần có trong mỗi người cán bộ ngành Tài chính Việt Nam hôm nay. Bởi sau lớp lớp thế hệ cha anh đã bền bỉ nuôi dưỡng mạch nguồn truyền thống vô giá đó, chắc chắn, phẩm chất đó đã và đang nhân lên trong huyết quản mỗi người để dựng xây cùng Ngành, ghi những dấu son đẹp cùng thời đại và đất nước./.

Hải Phan

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/diem-tua-truyen-thong-va-no-luc-vuot-kho-134748.html