''Điểm tựa'' cho học sinh nghèo đến lớp
Gần 10 năm qua, mô hình nhận đỡ đầu học sinh khó khăn đã lan tỏa thành truyền thống chung của giáo viên toàn Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Đạ Tẻh. Từ tấm lòng rộng mở của thầy, cô giáo và các nhà hảo tâm, nhiều học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học đã được tiếp sức kịp thời để vững tin đến lớp, nhân rộng thêm những câu chuyện đẹp về tinh thần vượt khó học giỏi của học trò.
“Có thể số tiền vài trăm nghìn đồng mà học sinh nhận được không là gì so với các nơi khác, nhưng nó thật sự có giá trị ở một vùng thuần nông vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn như nơi này”- thầy Lê Anh Việt, Bí thư Đoàn Trường THPT Lê Quý Đôn mở đầu câu chuyện như vậy, khi lý giải vì sao mô hình “Mỗi thầy cô giáo nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn” lại đặc biệt có ý nghĩa đối với thầy và trò ngôi trường giữa xứ tằm tang này. Tròn 10 năm đến nhận công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn, thầy Việt vẫn nhớ nguyên nỗi xót xa về những ngày đầu khi thấy học sinh vẫn còn quá nhiều khó khăn khi đến lớp. Cha mẹ chủ yếu lên rừng làm rẫy, bệnh tật, kinh tế thiếu thốn, không ít học sinh là con hộ nghèo hoặc mồ côi.
Trước tình hình thực tế nhiều học sinh phải nghỉ học giữa chừng vì không có điều kiện đến lớp, bắt đầu từ năm học 2012 - 2013, mô hình “Mỗi đoàn viên giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh khó khăn” được Chi đoàn giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện. Sau 2 năm triển khai với những hiệu quả mang lại thiết thực, số lượng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn giảm mạnh, mô hình đã được nhân rộng ra toàn trường.
Đa số giáo viên công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn đều sống tại địa phương, nên điều kiện, hoàn cảnh của các hộ gia đình cho đến từng học sinh được thầy, cô nắm rõ hơn ai hết. Đầu mỗi năm học, Đoàn Thanh niên kết hợp với giáo viên chủ nhiệm nắm danh sách học sinh khó khăn, xét chọn ưu tiên theo từng diện đối tượng. Mỗi năm, toàn trường có gần 60 học sinh được giáo viên nhận đỡ đầu bằng các hình thức như hỗ trợ học phí, quần áo, đồng phục, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quà tết,… Ngoài ra, các thầy, cô còn theo dõi việc học tập và chịu trách nhiệm về sự tiến bộ của học sinh, động viên gia đình quan tâm đến con em nhiều hơn trong quá trình học tập ở nhà.
Từ việc thầy cô chỉ sử dụng quỹ lương không phải là khá giả của mình để hỗ trợ học sinh, hiện tại, mô hình đã phát triển hơn thông qua việc vận động thêm các cựu học sinh, doanh nghiệp,... để bất cứ lúc nào có trường hợp học sinh khó khăn thì ngay lập tức có sự hỗ trợ kịp thời. Từ nguồn vận động cựu học sinh của mình, mỗi năm, thầy giáo Hồ Quốc Toản đã hỗ trợ từ 10 đến 15 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Toản chia sẻ rằng: “Bản thân tôi ngày xưa cũng là học trò nghèo, nên tôi hiểu được sự thiếu thốn vất vả thế nào, cũng hiểu được con chữ có giá trị đến thế nào với cuộc đời mỗi người. Nên chúng tôi nhất định không để học sinh phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn”.
Nguyễn Thị Hường, học sinh lớp 12A1 là một trong những trường hợp đặc biệt nhận được nhiều sự hỗ trợ từ giáo viên và các suất học bổng. Sinh ra trong gia đình đông con, khó khăn, em được thầy cô nhận đỡ đầu từ những ngày đầu bước chân vào ngôi Trường THPT Lê Quý Đôn. Năm học 2019 - 2020, bố Hường mất vì bị bệnh ung thư khiến tinh thần của em bị suy sụp, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn khi đổ lên đôi vai gầy của mẹ. May mắn là chính sự hỗ trợ và động viên từ các thầy cô đã giúp em vượt qua khó khăn, cố gắng và đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh. Với Hường, sự hỗ trợ này càng tiếp thêm động lực để em quyết tâm thi đậu đại học. Cô học trò nhỏ chia sẻ: “Em có một khát khao là sau này sẽ thành công, sẽ trở lại giúp đỡ các đàn em, như cách mà các anh chị cựu học sinh đang giúp đỡ chúng em vượt qua những khó khăn hiện tại”.
Chúng tôi đã khá bất ngờ khi thầy Lê Anh Việt cho biết, một trong 3 đợt nhà trường tập trung hỗ trợ cho học sinh khó khăn lại là dịp tri ân thầy cô - Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thế nhưng, thầy Việt lý giải rằng, với những vùng khó khăn như thế này, không món quà gì với thầy cô lớn lao hơn việc học trò vượt khó để tiếp tục học thành tài. Bây giờ, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn không còn phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, từ nguồn lực kêu gọi xã hội hóa, một vài học sinh còn được nhận hỗ trợ trong năm đầu học đại học. Và những giấc mơ nơi quê nghèo đã được chắp cánh bay xa.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202105/diem-tua-cho-hoc-sinh-ngheo-den-lop-3055219/