Điểm tên các cổ đông lớn chi phối ngân hàng An Bình

Sau khi IFC chính thức thoái vốn khỏi ABBank thông qua việc bán thỏa thuận hơn 84 triệu cổ phiếu ABB (8,2% tỷ lệ sở hữu), Maybank trở thành cổ đông lớn nước ngoài duy nhất tại ABBANK với tỷ lệ sở hữu 16,4%.

Cụ thể, lộ trình thoái vốn của IFC tại ABBANK đã được hoạch định từ trước và được IFC thực hiện trong tháng 5/2024. Trước đó, cổ đông lớn nước ngoài tại ABBANK gồm: Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) và Maybank - Ngân hàng lớn nhất Malaysia.

Theo ABBANK, trong gần 14 năm hợp tác với tư cách là cổ đông chiến lược, IFC đã hỗ trợ cho ABBank về nguồn vốn, các sản phẩm cho vay trung, dài hạn và tài trợ thương mại cũng như tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho ABBANK, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển bền vững và thúc đẩy tài trợ cho các doanh nghiệp SME - một động lực tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, IFC đã hỗ trợ tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong suốt quá trình ABBank triển khai các dự án nhằm đảm bảo tuân thủ về quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn Basel III.

 Cổ đông lớn nước ngoài vừa hoàn tất thoái vốn tại ABBANK, Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC

Cổ đông lớn nước ngoài vừa hoàn tất thoái vốn tại ABBANK, Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC

Thoái vốn khỏi ABBANK, IFC đang thực hiện mục tiêu cơ cấu lại vốn để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn, nhằm tối đa hóa hiệu quả phát triển.

Với vai trò tổ chức phát triển tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, IFC đang mở rộng sự tham gia của mình vào thị trường tài chính Việt Nam, hợp tác với các tổ chức tài chính trung gian, bao gồm cả các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện và hỗ trợ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Được biết, IFC là một thành viên của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân trong các thị trường mới nổi. Với hoạt động trải rộng tại hơn 100 quốc gia, IFC sử dụng vốn, kiến thức chuyên môn và ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sự phát triển và tạo ra cơ hội trong các nền kinh tế đang phát triển.

Về phía cổ đông chiến lược là Maybank, nhà băng này đã có hơn 16 năm hợp tác với ABBANK. Cả hai đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các lĩnh vực như ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng Số và phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Cổ đông lớn thứ 2 của ABBank là Tập đoàn GELEXIMCO do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ 12,68% vốn điều lệ.

Tập đoàn GELEXIMCO, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – GELEXIMCO ra đời năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Sau 18 năm, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - GELEXIMCO đã trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động trong bốn lĩnh vực chính là: Tài chính - Ngân hàng; Bất động sản; Sản xuất công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ; Đào tạo và công nghệ thông tin.

Hiện, GELEXIMCO có vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng; tổng tài sản 52.000 tỷ đồng, hơn 9.000 lao động do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Ngoài 2 chức danh tại GELEXIMCO, ông Tiền còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Giấy An Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhiệt điện Thăng Long, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (Mã CK: ABB)...

 Đại gia Vũ Văn Tiền

Đại gia Vũ Văn Tiền

Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng là cổ đông lớn của ABB với 8,53% vốn. Về cá nhân, có ông Vũ Văn Hậu là em trai ông Vũ Văn Tiền đang sở hữu 1,96% vốn của ABB.

Đại diện ABBank cho biết trong tương lai, việc thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng là phương án mà ngân hàng sẽ xem xét khi có cơ hội tốt, khả thi và mang lại hiệu quả.

Trong năm 2024, ABBANK tập trung nguồn lực triển khai Dự án trọng điểm “Làm mới Chiến lược Ngân hàng” với sự tư vấn và đồng hành của công ty tư vấn quản trị chiến lược toàn cầu McKinsey.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2024, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc ABBank cho biết, dưới sự tư vấn của McKinsey, ABBank đã đề ra kế hoạch phát triển trong giai đoạn 5 năm từ 2024 đến 2028. Mục tiêu của ngân hàng là trở thành một tổ chức có vốn hóa đạt 3 tỷ USD vào năm 2028, tổng tài sản đạt 15 tỷ USD và lợi nhuận dự kiến vượt 10.000 tỷ đồng.

Trong năm nay, nhà băng này đã đặt kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2023.

Kết quả này dựa trên các mục tiêu như sau: tổng tài sản dự kiến đạt 170.000 tỷ đồng vào cuối năm, tăng 5%; dự kiến huy động vốn từ khách hàng tăng 13% lên trên 113.300 tỷ đồng và dư nợ tín dụng dự kiến tăng 13% lên gần 116.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì ở mức dưới 3%.

 Đại hội cổ đông năm 2024 của ABBank

Đại hội cổ đông năm 2024 của ABBank

Thảo Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/diem-ten-cac-co-dong-lon-chi-phoi-ngan-hang-an-binh-212793.html