Điểm sáng thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15: Chính sách thuế đã đến với người dân, doanh nghiệp

Sáng 25/5, thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao gói hỗ trợ tài khóa. Có đại biểu đánh giá, điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp.

Giải pháp về thuế là vô cùng thiết thực

Các đại biểu (ĐB) Quốc hội phát biểu trong đầu giờ sáng đã đánh giá cao hiệu quả của chính sách tài khóa. Chính sách giảm thuế GTGT được người dân và doanh nghiệp (DN) đánh giá cao, vừa kích thích tiêu dùng vừa kích thích sản xuất phát triển. Do đó, có ĐB đề nghị kéo dài thêm chính sách hỗ trợ về thuế khi khả năng phục hồi và phát triển của DN chưa thực sự vững chắc.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp khác ứng phó với tình hình, như giảm thuế xăng dầu là giải pháp ứng phó vô cùng thiết thực.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp khác ứng phó với tình hình, như giảm thuế xăng dầu là giải pháp ứng phó vô cùng thiết thực.

Phát biểu tại hội trường, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 trong bối cảnh nền kinh tế có rất nhiều khó khăn, từ trong nội tại của nền kinh tế, bên ngoài thì tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, việc thực hiện nghị quyết đã phát huy hiệu quả. Việc chậm triển khai nghị quyết ở góc độ nào đó cũng mang lại hiệu quả, ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm, đó là do thời điểm đầu năm 2022 có hiện tượng “bong bóng” bất động sản, khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 đi vào cuộc sống thì hiện tượng bong bóng bất động sản đã xẹp. Do đó, Nghị quyết giúp Việt Nam “hạ cánh mềm” thay vì “hạ cánh cứng” như nhiều nước khác.

Cũng ở một góc nhìn khác, theo ĐB Hà Sỹ Đồng, sự thất bại của gói hạ lãi suất, nhìn ở khía cạnh nào đó chưa phải là thất bại, khi đó đối phó với lạm phát của chúng ta đã khó hơn nhiều. Mặc dù không rơi vào lạm phát cao như nhiều nước, nhưng tốc độ tăng trưởng thấp hơn chỉ tiêu, dù vậy vẫn tích cực.

Giải pháp của Chính phủ vào thời điểm đó cũng rất tốt, theo đánh giá của ĐB Hà Sỹ Đồng, như giảm thuế xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tăng. Ngoài ra, chính sách gia hạn thuế là rất cần thiết.

Trong bối cảnh siết chặt kỷ luật kỷ cương bộ máy, ưu tiên tính khả thi, gói hỗ trợ lãi suất 2% không khả thi thì gói giảm thuế GTGT phát huy hiệu quả cao.

"Điều hành của Chính phủ rất linh hoạt. Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp khác ứng phó với tình hình, như giảm thuế xăng dầu là giải pháp ứng phó vô cùng thiết thực khi giá nhiên liệu toàn cầu tăng, giúp quá trình phục hồi nền kinh tế diễn ra thuận lợi hơn. Việc gia hạn nộp thuế cũng rất thiết thực, vì DN như được vay một khoản ngắn hạn với lãi suất 0%, có tác dụng rất lớn đối với DN khi lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn” - ĐB Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm.

“Chính sách hợp lòng dân vực dậy cả nền kinh tế”

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá cao gói hỗ trợ của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, ĐB bày tỏ băn khoăn về thời hạn hiệu lực của nghị quyết. ĐB cho rằng, theo lý thuyết, việc sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ chỉ trong ngắn hạn, còn nếu sử dụng trong dài hạn có thể gây ảnh hưởng tới quy mô của nền kinh tế. Do đó, ĐB đề nghị cần cân nhắc thêm.

ĐB Mai Văn Hải: Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp. Đây là một điểm sáng khi thực hiện Nghị quyết.

ĐB Mai Văn Hải: Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp. Đây là một điểm sáng khi thực hiện Nghị quyết.

Cũng với những băn khoăn đó, ĐB Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc giảm thuế GTGT 2% là cần thiết, nhưng có những ngành chưa chắc cần giảm. “Đây là thuế gián thu của doanh nghiệp, với chính sách này, có những doanh nghiệp không cần phải giảm thuế, trong khi đó, Nhà nước thất thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng thuế trong nước và 14 nghìn tỷ đồng thuế xuất khẩu, chúng ta cần phải cân nhắc có nên hay không?” - ĐB Nguyễn Quang Huân nhận định.

ĐB Nguyễn Quang Huân cho rằng, vốn bố trí cho Chương trình đến nay mới đạt 72% và giải ngân đạt 61% dự toán là chậm. ĐB đặt một loạt các câu hỏi: Liệu nguyên nhân chậm trễ có phải là do quy trình gây hay không? Về thủ tục, có cần cơ chế đặc thù hay không? Gói hỗ trợ lãi suất chỉ đạt 3,05%, liệu có cần gói hỗ trợ này hay không? Đây là những vấn đề theo ĐB cần phải cân nhắc.

Theo ĐB Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình), việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đánh giá, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp. Đây là một điểm sáng khi thực hiện nghị quyết.

Theo ĐB Mai Văn Hải, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Theo ĐB Mai Văn Hải, sau 2 năm thực hiện nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường…

“Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông” - ĐB Mai Văn Hải đánh giá.

Cần kết hợp chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế khác

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2025.

Tuy nhiên, theo ĐB Trịnh Thị Tú Anh, chính sách tài khóa cần phải được sử dụng chung với các chính sách kinh tế khác và với quá trình cải cách thể chế nói chung, kích thích đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể phát huy hiệu quả./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/diem-sang-thuc-hien-nghi-quyet-432022qh15-chinh-sach-thue-da-den-voi-nguoi-dan-doanh-nghiep-151556.html