Di sản - điểm tựa sáng tạo cho thế hệ trẻ

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một lễ hội nghệ thuật thông thường, mà còn là câu chuyện về sự giao thoa giữa di sản và sáng tạo đương đại, giữa giá trị truyền thống và những ý tưởng mới mẻ của thế hệ trẻ.

Di sản dưới góc nhìn người trẻ

Những ngày giữa tháng 11, Hà Nội đang chìm trong tiết trời dịu mát của mùa Thu, nhưng tại các điểm di sản trọng điểm của Thủ đô lại đang sôi động một không khí rất khác. Hàng nghìn người dân và du khách đổ về các không gian sáng tạo để hòa mình vào Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

Dừng chân tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, chúng tôi bắt gặp những dòng người liên tục di chuyển qua các khu trưng bày. Không gian quen thuộc của một công trình kiến trúc Xô Viết giờ đây được khoác lên diện mạo mới thông qua đại triển lãm “Cung Thiếu nhi: Hoài niệm cho tương lai”.

Biểu diễn trang phục cổ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024.

Biểu diễn trang phục cổ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024.

Ba giám tuyển trẻ Lê Thuận Uyên, Vân Đỗ và Phạm Minh Hiếu đã dành tới 6 tháng để ấp ủ và thực hiện ý tưởng này. “Thách thức lớn nhất với chúng tôi là làm sao để tôn trọng những ký ức, những giá trị vốn có của không gian này, đồng thời vẫn tạo được những trải nghiệm mới mẻ cho người xem”, Lê Thuận Uyên chia sẻ trong lúc dẫn chúng tôi tham quan triển lãm. Cô cho biết thêm, mỗi góc trưng bày đều được thiết kế với ý đồ riêng, vừa gợi nhớ về một thời tuổi thơ của bao thế hệ người Hà Nội, vừa mang đến những góc nhìn đương đại về nghệ thuật.

Di chuyển về phía trung tâm thành phố, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng ấn tượng tại Trường Đại học Tổng hợp cũ. Hàng dài người xếp hàng kiên nhẫn chờ đợi để được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật đương đại được trưng bày trong không gian mang đậm dấu ấn lịch sử. Sự giao thoa giữa kiến trúc cổ kính và nghệ thuật hiện đại tạo nên một trải nghiệm độc đáo cho người xem.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, triển lãm “Rồng rắn lên mây” đang tạo tiếng vang lớn với cách tiếp cận mới mẻ về di sản. Không dừng lại ở cách trưng bày truyền thống, các nghệ sĩ trẻ đã mang đến những show thời trang đặc sắc như “Nhị thập cửu” và “Kẻ vãng khai lai”, nơi trang phục truyền thống được tái hiện dưới góc nhìn đương đại.

Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ) lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan cũng tạo nên một điểm nhấn đặc biệt của lễ hội. Không gian trang nghiêm của công trình kiến trúc Pháp được làm mới bởi các trưng bày nghệ thuật tinh tế, thu hút sự chú ý của đông đảo người xem.

Ấn tượng đặc biệt của lễ hội phải kể đến chương trình khai mạc hoành tráng do hai đạo diễn trẻ Nguyễn Quốc Hoàng Anh và Nguyễn Đinh Nguyên dàn dựng. “Tôi muốn thể hiện tình yêu với di sản văn hóa, truyền thống qua lăng kính của người trẻ”, đạo diễn Hoàng Anh chia sẻ.

Hoạt động diễu hành và biểu diễn các di sản văn hóa Hà Nội ngay giữa “giao lộ sáng tạo” đã tạo nên một bức tranh văn hóa sinh động, nơi những giá trị truyền thống được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại nhưng vẫn giữ nguyên được hồn cốt vốn có.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo trong cộng đồng

Để lễ hội vận hành trơn tru, một đội ngũ những người trẻ đầy nhiệt huyết đã và đang làm việc không ngừng nghỉ. Nhóm vận hành gồm Hưng Hòa, Giang Thanh, Huy Hoàng đảm nhận vai trò điều phối từ việc thiết kế, in ấn đến thi công các ấn phẩm, tuyển tình nguyện viên và quản lý các hoạt động.

“Lễ hội là một trong những chương trình rất cởi mở trong việc trao quyền cho người trẻ được thể hiện bản thân”, Hưng Hòa chia sẻ trong lúc điều phối một nhóm tình nguyện viên. “Chúng tôi được tự do đóng góp ý kiến, được thử nghiệm những ý tưởng mới và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ mọi người”.

Tổng kết và đánh giá lễ hội, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, bước sang năm thứ 4, lễ hội đã có bước phát triển vượt bậc với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn nghệ thuật, điện ảnh và quảng cáo.

Không chỉ thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Thành phố, lễ hội còn đón tiếp đại diện các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Hà Nội. Đáng chú ý, ngày 12/11, đoàn phu nhân đại sứ và trưởng đại diện tổ chức quốc tế đã có chuyến tham quan tour di sản đặc biệt, bày tỏ sự ngạc nhiên và đánh giá cao nội lực của giới sáng tạo Thủ đô.

Dù các điểm tham quan nằm trên tuyến dài gần 3km, nhưng điều này không làm giảm nhiệt hứng thú của người dân. Trong những ngày cuối tuần, mỗi điểm có cổng ra vào đón tới 60.000 lượt khách mỗi ngày, chưa kể lượng người tham quan tại các không gian mở như vườn hoa và không gian công cộng.

Lễ hội năm nay ghi nhận sự tham gia tích cực của hơn 500 đơn vị và 1.000 nhà sáng tạo, trong đó nhiều người là nghệ sĩ trẻ đã thành danh trong và ngoài nước. Đặc biệt, cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế đã tham gia với vai trò những nhà sáng tạo chuyên nghiệp, mang đến những góc nhìn độc đáo và đa dạng cho lễ hội.

Gần 300 tình nguyện viên trẻ đã nhiệt tình hỗ trợ công tác tổ chức, tiếp đón và hướng dẫn người dân. Cộng đồng cũng tự phát tổ chức gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng lễ hội, cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần sáng tạo trong xã hội.

“Tinh thần sáng tạo đã lan tỏa khắp các không gian kiến trúc, di sản văn hóa, phố nghề và làng nghề truyền thống, tạo nên sự kết nối hiệu quả giữa các thế hệ nghệ sĩ, giữa truyền thống và hiện đại. Thành công của lễ hội không chỉ thể hiện qua con số 30 vạn lượt khách tham quan, mà còn ở việc mở ra những hướng đi mới cho phát triển kinh tế sáng tạo của Thủ đô.

Đây là tiền đề quan trọng cho việc ra mắt Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội trong tương lai”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/di-san-diem-tua-sang-tao-cho-the-he-tre-180787.html