Đến An Giang mùa nước nổi, nếm đặc sản cá linh non trứ danh
An Giang đất đai trù phú, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh vật tuyệt đẹp. Vào đầu mùa nước nổi này, du khách đến nơi đây sẽ được thưởng thức một đặc sản trứ danh là cá linh non.
Nói đến mùa nước nổi, ai cũng nghĩ ngay đến cá linh. Khi con nước tràn đồng là lúc xuất hiện cá linh non đầu mùa. Cá linh non theo nước vào các sông rạch, đồng ruộng và lớn dần lên.
Thường bắt đầu khoảng tháng 10 âm lịch, lúc này nước ngập dần, cá linh đã lớn, mập béo, giàu chất dinh dưỡng. Chúng to trung bình cỡ ngón tay cái, lưng màu xanh lơ, mình tròn dẹp, vây và đuôi màu vàng nhạt, vảy nhuyễn, nhỏ màu bạc.
Trên thủy trình trôi dạt ấy, cá linh vừa đi vừa lớn, vừa sinh sản. Đầu mùa nước, cá linh bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Cá linh non đầu mùa kho với nước dừa rất ngon.
Vị béo ngậy của cá quyện với vị thơm ngọt của nước dừa khiến món ăn trở nên khác biệt. Cá linh kho khô trong nồi đất, ăn với cơm trắng, đơn giản mà đậm đà như tình người miền Tây hiếu khách.
Con to bằng ngón tay thì nấu canh chua bông điên điển, kèo nèo, so đũa, bông súng hoặc chiên giòn, chiên bột chấm mắm me hay kho mắm. Món cá linh nhúng giấm bông điên điển cũng rất đáng thưởng thức.
Cá không cần đánh vảy, chỉ cần bỏ vào cái rổ tre chà nhẹ là được, làm sạch ruột, ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt, tiêu và tỏi băm. Giấm phải là giấm nhà nuôi mới ngon, mới có vị chua thanh.
Ngoài điên điển, món này phải ăn kèm với bông súng đồng (mọc dại, chỉ dài khoảng 1m) mới tăng hương vị cho món ăn. Cá linh cho vào nồi nước đang sôi, cho các loại rau vào, chỉ vừa chín tới mới giữ được độ ngọt.
Vị ngọt của cá, vị giòn của bông điên điển, bông súng, chất chua thanh của giấm, cay cay của ớt, tiêu hợp thành một mùi hương khó quên.
Ngư dân, nông dân ven các bờ sông rạch đánh bắt cá linh bằng nhiều phương tiện như: vó, dớn, lú, lưới thả, lưới giăng... Trước đây, do lượng cá linh rất nhiều, người ta đong cá bằng giạ sắt đong lúa.
Phần lớn cá linh dùng để ủ làm mắm hoặc nước mắm tại chỗ. Muốn đem cá linh đi xa phải di chuyển bằng ghe có lưới bên hông để cá vẫn sống trong môi trường tự nhiên.
Cá linh ủ càng lâu, mắm càng ngon. Nước mắm cá linh đặc biệt thơm ngon nhờ ủ cá tươi sống. Người dân ở vùng Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú (An Giang) có nghề làm nước mắm cá linh và các loại cá đồng rất nổi tiếng.
Để thưởng thức đặc sản cá linh mùa nước nổi theo đúng điệu người miền Tây thì chỉ cần ngồi trên chiếc xuồng ba lá, hoặc bờ ruộng, nhà chòi, dưới tán cây xanh nghe gió thổi vi vu, thêm vài câu vọng cổ ngân lên da diết mới đúng chất miền Tây.
Dịp lễ 2/9 này, các bạn hãy cùng người bản xứ thưởng thức nồi cơm gạo mới, canh chua cá linh bông điên điển, hoặc nhâm nhi miếng cá chiên giòn tan rồi cạn ly rượu gạo, cảm giác thú vị không gì sánh bằng.