Đề xuất phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Sáng 9-5, tiếp tục Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp sáng 9-5 của Quốc hội.
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch bao gồm 2 điều. Trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật đó là nội dung về phân cấp, phân quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Để nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành, dự thảo luật đề xuất phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng; quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Phân cấp cho các Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đối với việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, một số ý kiến cho rằng, nội dung vướng mắc về quy hoạch hiện nay không chỉ liên quan đến quy định của Luật Quy hoạch mà còn liên quan đến nhiều luật khác có quy định về sự phù hợp với quy hoạch. Do đó, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này mới chỉ là giải pháp tình thế mà chưa xử lý được triệt để các điểm nghẽn đã được nhiều địa phương phản ánh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi Luật Quy hoạch theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần xác định rõ mục đích và phạm vi sửa đổi Luật Quy hoạch lần này nhằm bảo đảm tính khả thi; trong đó tập trung giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách cần xử lý ngay, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo Quốc hội.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, một số ý kiến đề nghị chưa phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, nhất là trong trường hợp lập mới các quy hoạch này vì nội dung này chưa được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, có thể dẫn đến không đồng bộ, không thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch; trong trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ quyết định việc lập mới quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia thì cần rà soát, nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 02 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát tối cao của Quốc hội theo Hiến định đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia.
Theo dự kiến, dự thảo luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ vào ngày 10-5 và thảo luận tại hội trường vào ngày 28-5, trước khi biểu quyết thông qua sáng 25-6.