Đề xuất lập sàn đấu giá kinh doanh xăng dầu
Chuyên gia đề xuất, dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu cần làm rõ việc nhập xăng dầu lấy giá ở đâu, tính theo giá kỳ hạn hay giá giao ngay? 'Vì sao không lập sàn đấu giá kinh doanh xăng dầu thay vì tự ngồi tính theo báo cáo của doanh nghiệp', chuyên gia đặt vấn đề.
Ông Phạm Ngọc Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam - cho rằng, việc dự trữ xăng dầu, Nhà nước cần thực hiện thay vì giao cho các doanh nghiệp như hiện nay.
“Dự trữ xăng dầu quốc gia là việc của Nhà nước, đừng để doanh nghiệp phải gánh nhiệm vụ chính trị. Dự trữ xăng dầu quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Nhà nước khi dự trữ thì thuê kho của doanh nghiệp nếu không xây kho riêng”, ông Hùng nói.
Vị chuyên gia khẳng định, dự thảo mới cần làm rõ việc nhập xăng dầu lấy theo giá ở đâu, tính theo giá kỳ hạn hay giá giao ngay? “Vì sao không lập sàn đấu giá kinh doanh xăng dầu thay vì tự ngồi tính theo báo cáo của doanh nghiệp”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Bà Trần Thụy Thùy Trâm - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt - cho biết, chi phí cho một lít xăng RON95 bán tại vùng I TPHCM (23.540 đồng) là 1.300 đồng, tương đương 5,6%. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị mức chiết khấu tối thiểu là 5,6% để đạt điểm hòa vốn. Lợi nhuận từ 6-7%.
Bà Trâm đề nghị bổ sung chi phí kinh doanh tối thiểu, còn gọi là chiết khấu vào nghị định mới. Hiện, định mức kinh doanh mới nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối, nhưng doanh nghiệp bán lẻ lại không có phần này.
Cũng theo bà Trâm, mặc dùng Nghị định 80 quy định, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn (tối đa ba nguồn), nhưng đến nay doanh nghiệp tại TPHCM vẫn thực hiện. Sở Công Thương TPHCM chưa có câu trả lời cho doanh nghiệp, đầu mối không dám bán, doanh nghiệp không dám mua.
Tại hội thảo, các vấn đề của thị trường xăng dầu trở nên nóng hơn khi chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng việc sửa dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng được 2 điều kiện: không chắp vá sửa nghị định và đủ xăng dầu cho nền kinh tế, không được lặp lại tình trạng xếp hàng chờ mua xăng dầu.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, văn bản dự thảo nghị định đã bỏ qua một đối tượng rất lớn chính là các nhà máy lọc dầu, đang cung ứng 70% xăng dầu của thị trường là Nghi Sơn và Dung Quất.
“Chúng ta sẽ có chính sách thế nào với các nhà máy lọc dầu. Xăng dầu là kinh doanh có điều kiện nhưng tôi thiết tha mong ban soạn thảo soạn lại các điều kiện. Tôi giật mình vì không ngờ doanh nghiệp khổ đến thế vì phải chịu nhiều điều kiện như vậy”, ông Ánh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng khẳng định nêu câu hỏi về việc cơ quan quản lý đặt ra hàng loạt quy định vi phạm quyền tự do kinh doanh, quyền mua quyền, bán của doanh nghiệp.
“Mua ở đâu là quyền của tôi, bán ở đâu là quyền của tôi. Chúng ta đang tư duy ngược về điều hành giá. Với cách can thiệp này, doanh nghiệp bán lẻ sẽ chết trước rồi một ngày nào đó đến thương nhân phân phối và doanh nghiệp đầu mối khi chúng ta đang tư duy ngược. Giá phải đi với hàng. Không phải chúng ta quyết định giá bán lẻ, mà phải quyết giá bán buôn”, ông Ánh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần làm rõ Quỹ Bình ổn giá có vi phạm Luật Giá hay không. Thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá cho thấy những tiêu cực, vi phạm liên quan đến Xuyên Việt Oil cũng như loạt doanh nghiệp đầu mối khác. Việc thu chi, quản lý thế nào đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ. Vì vậy, Quỹ Bình ổn giá cần bỏ.
“Nghị định 83 đã có quy định công cụ về bảo hiểm hàng hóa. Tại sao không sử dụng sàn giao dịch cũng như các công cụ phái sinh vào trong dự thảo Nghị định mới?”, ông Long nói.
Nêu quan điểm tại hội thảo, luật sư Nguyễn Thế Lập cho rằng dự thảo mới phải trả lời câu hỏi: Làm chính sách hay làm luật? Nếu làm luật thì dự thảo đang vi phạm quy định về xây dựng luật. Theo ông Lập, nghị định mới chỉ được ban hành quy định chi tiết các điều khoản liên quan các nghị định khác đã ban hành, cụ thể là bám vào Luật Đầu tư. Dự thảo mới có nhiều điều khoản trái, sai với Luật Thương mại, Luật Giá cũng như Luật về dự trữ quốc gia.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-lap-san-dau-gia-kinh-doanh-xang-dau-post1637035.tpo