Đề xuất đầu tư 8.365 tỷ đồng xây đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Theo đó, dự án có điểm đầu giao với quốc lộ 1, trùng với điểm cuối đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.
Tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75m. Tuy nhiên, căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, Bộ GTVT kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư 8.365 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 4.962 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 1.287 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng 1.300 tỷ đồng; vốn Nhà đầu tư huy động là 7.065 tỷ đồng. Nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong 20 năm 3 tháng với giá khởi điểm là 1.700 đồng/km và sẽ tăng đến 3.400 đồng/km (xe tiêu chuẩn) vào năm 2042. Dự kiến dự án khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Ngày 7-5, thông tin từ Văn phòng Ban Điều hành dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho biết, đến đầu tháng 5 mặt bằng trên tuyến chính đã được bàn giao xong nhưng công tác di dời hạ tầng chưa hoàn thành do còn vướng đường điện, cột viễn thông.
Cụ thể, tại Km30 (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vướng vị trí cột điện 500kV đang thi công móng và 19 cột điện hạ thế, 42 cột viễn thông, 3 vị trí đường ống nước chưa di dời; đoạn qua tỉnh Đồng Nai vướng 1 đường điện 220kV, 1 đường điện 500kV đang thi công móng, nâng cao tĩnh không để đảm bảo an toàn thi công và khai thác. Việc thi công tuyến chính cao tốc còn vướng 14 vị trí điện trung thế, 3 vị trí đường ống nước, 13 vị trí đường điện dân sinh, 13 vị trí đường viễn thông chưa di dời.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài hơn 99km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Thuận, được khởi công vào cuối tháng 9-2020, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác nhưng có thể chậm tiến độ khi mùa mưa đang ảnh hưởng đến thi công, giá nhiên liệu, vật liệt xây dựng tăng cao, nhà thầu gặp khó khăn về vốn.
>>Xem bản tiếng Anh tại đây