Đề xuất cấm sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, nung nóng

Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế cho biết, TLĐT, TLNN là các sản phẩm mới xuất hiện trôi nổi tại Việt Nam gần 10 năm trở lại đây.

Việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là TLĐT và TLNN), đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng TLĐT năm 2023 là 7,0%.

Theo báo cáo tổng hợp từ gần 700 cơ sở KCB, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN.

Ảnh minh họa

Trong đó, số người nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca nhập viện, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca nhập viện, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca nhập viện, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca nhập viện, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca nhập viện và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện.

Thực tế cho thấy, TLĐT và kể cả một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.

Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng TLĐT.

Trong đó xét nghiệm nhiều mẫu TLĐT của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc TLĐT trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tốn trung bình từ trên 10 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng

“Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân” - TS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, TLĐT và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợpao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.

“Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma túy; tốn kém nhân lực và tài chính trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế do thuốc lá thế hệ mới gây ra” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Trước thực trạng đáng báo động như hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-cam-san-xuat-nhap-khau-quang-cao-thuoc-la-dien-tu-nung-nong.html