Đề xuất áp giá trần, nới cơ chế nhà ở xã hội
Đại biểu Phan Đức Hiếu đề xuất áp dụng phương án áp giá trần, để doanh nghiệp chủ động triển khai, qua đó tiết kiệm thời gian trong xây dựng nhà ở xã hội.
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh các tiêu chí về thuê, mua, cơ chế tiếp cận vốn, giá nhà ở xã hội… một số đại biểu cũng quan tâm đến mở rộng đối tượng thụ hưởng và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thay vì chỉ phục vụ cho công nhân khu công nghiệp.
Đề xuất Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được phép xây nhà ở xã hội
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) bày tỏ sự đồng tình với tinh thần tiếp thu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, bà nhấn mạnh cần kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn cả về chính sách và thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh). Ảnh: QH
“Tôi đề nghị bổ sung các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào nhóm đối tượng được phép đầu tư xây dựng nhà ở xã hội”- đại biểu đề nghị.
Lý giải đề xuất trên, đại biểu cho biết, thực tế từ Quảng Ninh, nhu cầu nhà ở cho công nhân ngành than và lực lượng vũ trang hiện nay rất lớn. Song chưa có quy định cụ thể về quản lý, vận hành, cũng như các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho mô hình này.
Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh hiện nay phải tự vận dụng, triển khai xây dựng mô hình nhà tập thể hoặc nhà nghỉ ca cho công nhân ngành than. Luật Nhà ở năm 2023 có bổ sung một chương riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhưng loại hình nhà tập thể của ngành than lại không áp dụng được.
“Nguyên nhân là do việc đầu tư xây dựng các nhà tập thể này nằm trên đất thương mại dịch vụ, không phải đất ở trong khu công nghiệp”- bà Hà cho biết.
Vị nữ đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề xuất, cho phép các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xây dựng nhà lưu trú trên đất thương mại dịch vụ, đồng thời bổ sung cơ chế ưu đãi tài chính tương tự các dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, đại biểu Hà đề nghị cần có cơ chế hướng dẫn rõ ràng, minh bạch về việc tính tiền sử dụng đất và thủ tục đầu tư cho phần quỹ đất 20% trong dự án nhà ở xã hội. Bà cho rằng, việc áp dụng đầy đủ trình tự thủ tục như các dự án thương mại thông thường đã làm kéo dài thời gian triển khai, gây lãng phí nguồn lực và chậm tiến độ cung ứng nhà ở xã hội.
Áp dụng giá trần, nới cơ chế nhà ở xã hội
Đánh giá cao bước cải tiến trong dự thảo nghị quyết khi gộp thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và giao thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, vẫn còn sự dè dặt trong thiết kế thủ tục, dẫn tới nguy cơ tồn tại nhiều đầu mối, nhiều khâu xin ý kiến, làm chậm tiến độ thực hiện.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình). Ảnh: QH
“Theo tôi, cần cắt bỏ hoàn toàn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thay vào đó xây dựng một thủ tục giao duy nhất, giao thẩm quyền cho một cơ quan đầu mối, một quy trình thống nhất, với thời hạn rõ ràng. Đây mới thực sự là cải cách mạnh mẽ, phù hợp tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị”- ông Hiếu nhấn mạnh.
Về giá bán nhà ở xã hội, ông Hiếu thẳng thắn chỉ ra sự phức tạp, mất thời gian, chi phí và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi vẫn duy trì quy trình xác định giá, kiểm toán trước, sau.
Ông đề xuất thay đổi tư duy, áp dụng phương án áp giá trần, để doanh nghiệp chủ động triển khai, qua đó tiết kiệm thời gian, công sức mà còn giúp giá nhà ở xã hội thực sự rẻ hơn, tránh làm tăng chi phí vô hình và rủi ro không đáng có.
Đồng tình với đề xuất của đại biểu Thu Hà về việc cho phép xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ngoài khu công nghiệp. Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, quy định hiện hành còn quá cứng nhắc, không phản ánh được nhu cầu thực tế của những địa phương như Quảng Ninh, nơi công nhân ngành mỏ có nhu cầu lớn nhưng không thể “khoanh cả tỉnh thành khu công nghiệp”. Ông đề nghị mạnh dạn giao quyền thí điểm cho các địa phương có nhu cầu thực sự.
Bên cạnh đó, ông Hiếu nêu bất cập: Khi doanh nghiệp đã xây nhà lưu trú cho công nhân nhưng không sử dụng hết, họ cũng không được phép cho công nhân của doanh nghiệp khác thuê, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Theo ông, đã là thí điểm thì nên nới lỏng, cho phép linh hoạt hơn.
Đại biểu cũng đề xuất bổ sung vào nghị quyết một cơ chế xử lý các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực nhưng chưa triển khai. Theo đại biểu, cần cho phép các dự án này lựa chọn phương án nộp tiền, hoặc xây dựng tại địa điểm phù hợp với quy hoạch của tỉnh, thay vì “bó cứng” phải tiếp tục xây nhà ở xã hội.
"Việc nới cơ chế này không chỉ tránh rủi ro, mà còn đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương"- ông khẳng định.
Gỡ "nút thắt" cho 1 triệu căn nhà ở xã hội
Tiếp thu giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, thực hiện Quyết định 44 của Chính phủ về phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến nay, cả nước đã triển khai 679 dự án, hoàn thành 623.000 căn hộ. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn khiêm tốn: Mới hoàn thành 15% chỉ tiêu trong năm 2025, tương đương 73.000 căn hộ, trong khi vẫn còn 19.500 căn mới được khởi công.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu. Ảnh: QH
"Tính chung, cả nước hiện mới đạt khoảng 48% so với yêu cầu và nhu cầu đặt ra đến năm 2030"- Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.
Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ: Nguyên nhân chính của tình trạng chậm trễ nằm ở hàng loạt “điểm nghẽn” từ cơ chế, thể chế, chính sách đến quy trình, thủ tục triển khai thực hiện.
Do đó, Bộ Xây dựng đã trực tiếp đề xuất Chính phủ tháo gỡ bằng các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm thu hút, khuyến khích nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội.
Theo ông Minh, vướng mắc tập trung ở hai nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất là quỹ đất và đối tượng thụ hưởng. Các địa phương phải chủ động bố trí quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch và đảm bảo tái định cư, song hiện nay vẫn chưa làm tốt. Quỹ tín dụng hỗ trợ người có nhu cầu về nhà ở xã hội cũng chưa được giải ngân hiệu quả, mới đạt chưa đến 3% trong 5 năm, khiến nhà đầu tư nản lòng.
Thứ hai là những thủ tục, quy trình phức tạp, kéo dài. Bộ trưởng dẫn chứng: Quy trình giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội qua đấu thầu hiện mất khoảng 300 ngày, Bộ đang đề xuất giảm còn 75 ngày. Các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng tiêu tốn hơn 100 ngày; nếu lồng ghép hợp lý, có thể rút ngắn xuống chỉ còn 35 ngày.
Về vấn đề giá bán nhà ở xã hội, Bộ trưởng Minh cho biết, không thể áp dụng giá sàn chung trên toàn quốc do chênh lệch lớn về chi phí vật liệu, nhân công giữa các địa phương.
"Thay vào đó, sẽ có hướng dẫn để từng tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế phê duyệt giá bán. Quan điểm của bộ là giá bán nhà ở xã hội chỉ được phép chênh lệch tối đa 10% so với giá thành, đảm bảo không làm tăng gánh nặng chi phí cho người dân"- ông Minh thông tin.

Toàn cảnh phiên họp sáng 24/5. Ảnh: QH
Ông Minh khẳng định, với những điều chỉnh mang tính đột phá về cơ chế, thủ tục, việc triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ đạt được kết quả tốt hơn, góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, sẽ cùng với tiểu ban soạn thảo điều chỉnh trong những ngày tới để cơ chế chính sách này được triển khai đến các địa phương và được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-ap-gia-tran-noi-co-che-nha-o-xa-hoi-389121.html