Để trẻ em được lớn lên an toàn, lành mạnh

Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bạo lực, xâm hại là trách nhiệm quan trọng của toàn xã hội để xây dựng môi trường an toàn, yêu thương và đầy đủ cơ hội cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH truyền thông các nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cán bộ hội LHPN các xã miền núi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÁI HÀ

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH truyền thông các nội dung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cán bộ hội LHPN các xã miền núi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÁI HÀ

Trong những năm qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhưng tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trẻ em đối diện nhiều nguy cơ

Tại lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội cấp huyện, xã về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi do Hội LHPN tỉnh tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết trong quý I/2024, Sở LĐTB&XH ghi nhận 26 vụ việc với 81 đối tượng liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Trong đó, xâm hại trẻ với những hành vi như bạo hành, xao nhãng, bỏ rơi, xâm hại tình dục… gồm 8 vụ, xảy ra ở 7 trẻ gái và 1 trẻ trai. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo hành trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng.

Xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) có 5.075 khẩu, trong đó, người đồng bào DTTS chiếm 57%. Theo chị Hờ Pá Thị Tem, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hội, các thôn, buôn đường sá heo hút cùng với những hạn chế trong việc tiếp cận thông tin tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng. Khi việc kết bạn qua internet nở rộ, học sinh có nhiều phương thức trao đổi, liên lạc khiến cho tình trạng tảo hôn có dấu hiệu gia tăng, trong khi các em không lường trước được hậu quả của việc bị xâm hại, bạo lực.

Như năm 2022, một trường hợp bé gái chưa đủ 16 tuổi nhưng được gia đình chấp thuận cho cháu sống cùng người đàn ông 28 tuổi. Cô bé sau đó mang thai, sinh con. Quá trình sinh sống, do có nhiều mâu thuẫn, gia đình nhà gái kiện nhà trai. Hiện vụ việc nêu trên đã được cơ quan công an vào cuộc điều tra, giải quyết, nhưng còn nhiều trường hợp khác không có đơn thư tố cáo thì địa phương không nắm được.

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận và gây hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh. Trẻ em bị xâm hại gặp phải nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới sự phát triển, thậm chí hủy hoại cuộc sống của các em trong tương lai. “Các em có nguy cơ cao bị trầm cảm, mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể dẫn đến tự tử”, bà Minh Hiền cho biết.

Tăng cường bảo vệ trẻ

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trẻ em có quyền được sống trong môi trường không bạo lực, xâm hại và bóc lột. Để làm được điều đó, ngoài củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, cần sự quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc tập trung phòng ngừa, ngăn chặn chứ không chỉ xử lý sau khi điều xấu đã xảy ra.

Với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, ngoài nâng cao năng lực cho cán bộ hội về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN tỉnh còn đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ cho học sinh và hội viên, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Mong rằng, sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và cả cộng đồng sẽ góp phần giảm dần, tiến đến chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, hiện các cơ quan liên quan vẫn đang đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm, năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ. Hiện Sở LĐTB&XH đã triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em chuyên biệt như tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em trong tố tụng...

Dù vậy, theo bà Minh Hiền, để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, cần nhất vẫn là sự quan tâm của gia đình trong việc nắm bắt những thay đổi tâm, sinh lý của con cũng như luôn trong tư thế đề cao, cảnh giác để bảo vệ trẻ; mạnh dạn tố cáo tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, hỗ trợ các con khi chứng kiến hoặc nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại.

Theo chị Hờ Bá Thị Tem, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn nói riêng, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em nói chung, Hội LHPN xã Sơn Hội cùng với các ban ngành, đoàn thể xã đã xuống các thôn, buôn tuyên truyền định kỳ; vận động gia đình có trẻ dưới 16 tuổi dừng tổ chức đám cưới đợi đến khi các cháu đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Đối với các gia đình xảy ra bạo lực, xâm hại, chi hội trưởng chi hội phụ nữ và đại diện ban chấp hành hội LHPN xã sẽ gặp các thành viên để giáo dục chuyển đổi hành vi. “Vừa rồi, Hội LHPN tỉnh thành lập CLB mô hình Thủ lĩnh của sự thay đổi trên địa bàn xã Sơn Hội. Hoạt động của mô hình kỳ vọng sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em biết bảo vệ bản thân”, chị Hờ Bá Thị Tem cho biết.

Để phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại đến trẻ em, theo bà Phạm Thị Minh Hiền, gia đình, nhà trường, cộng đồng cần tăng cường trách nhiệm cũng như năng lực trong việc chủ động phòng ngừa có hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ; thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, cộng đồng và bản thân trẻ em; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các thành viên ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, huyện… trong việc phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em bị bạo lực ngay tại cơ sở.

Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bạo lực, xâm hại là trách nhiệm quan trọng của toàn xã hội để xây dựng môi trường an toàn, yêu thương và đầy đủ cơ hội cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/316328/de-tre-em-duoc-lon-len-an-toan-lanh-manh%C2%A0.html