Để trẻ em biết cách bảo vệ mình khỏi bạo lực thể chất
Hiện nay, bạo lực thể chất đối với trẻ em đang là vấn đề nóng gây nhức nhối trong xã hội vì những hậu quả nặng nề về mặt thể chất và tinh thần để lại cho các em. Do đó, để trẻ em biết cách bảo vệ mình khỏi bạo lực thể chất, thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn về phòng, tránh bạo lực thể chất cho học sinh tại các trường học trong tỉnh.
Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường công tác phối hợp với các nhà trường ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện Dự án Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (gọi tắt là Dự án) do tổ chức Terre des Hommes (CHLB Đức) tài trợ, để lồng ghép tuyên truyền các nội dung về phòng, chống bạo lực thể chất cho học sinh tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, các buổi học ngoại khóa... Đơn vị cũng phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống bạo lực thể chất đối với trẻ em, thu hút sự tham gia của 60 học sinh mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt, con hộ nghèo đang học tại Trường THCS Đông Thọ và Trường THCS Quảng Phú (TP Thanh Hóa).
Là người trực tiếp tham gia giảng dạy các em, TS. Nguyễn Thị Lý, giảng viên Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: Mặc dù đã có nhiều biện pháp để bảo vệ quyền của trẻ em, tuy nhiên, những hành vi bạo lực thể chất đối với trẻ em vẫn còn diễn ra, đa số các trường hợp bạo lực đều xảy ra ở đối tượng là trẻ em mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt, con hộ nghèo. TS. Lý nhấn mạnh: "Bạo lực thể chất gây tổn thương cho trẻ, điều này rất rõ ràng. Nhưng bạo hành tinh thần thì khó nhận diện hơn, thậm chí nhiều người vẫn cho là “chuyện thường” trong xã hội, như dạy con bằng mắng chửi, nhận xét con trẻ theo kiểu chê bai, kỳ thị... Trẻ bị bạo hành có thể dẫn đến hậu quả là bị sang chấn tâm lý, phát triển lệch lạc về tinh thần. Có trẻ nhút nhát, tự ti, sống khép kín hoặc bị trầm cảm. Có trẻ lại trở nên nổi loạn, thích bạo lực, hoặc có thể sa ngã ở lứa tuổi mới lớn... Dù ở mức độ nào thì bạo lực thể chất cũng để lại hậu quả khá nặng nề, gây nguy hại nghiêm trọng về mặt thể chất và tâm lý cho các em. Do đó việc tổ chức các lớp tập huấn về cách tự bảo vệ bản thân, tự phòng tránh bạo lực thể chất đối với nhóm trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, con hộ nghèo là rất cần thiết. Tham gia lớp tập huấn, các em sẽ được trang bị nhiều kiến thức về phòng, chống bạo lực thể chất như, quyền của trẻ em là gì, các nhóm quyền trẻ em; thế nào là bạo lực thể chất, các hành vi được cho là bạo lực thể chất; các quy định về Luật Trẻ em 2016; bạo lực thể chất và hậu quả đối với trẻ em, kỹ năng phòng ngừa bạo lực thể chất... Tại lớp tập huấn, ngoài việc trình chiếu powerpoint, chúng tôi còn chiếu video một cách sinh động, hấp dẫn để tạo hứng thú cho học sinh. Ngoài ra, chúng tôi còn đặt câu hỏi để các em trả lời, thi vẽ tranh, làm việc nhóm để khơi gợi trí tò mò, sự thông minh, hiểu biết của các em về bạo lực thể chất đối với trẻ em".
Em Lê Thị Huyền, học sinh lớp 7, thuộc đối tượng khuyết tật, Trường THCS Quảng Phú (TP Thanh Hóa), chia sẻ: "Tham gia lớp tập huấn, em đã được trang bị thêm nhiều kiến thức về các hành vi bạo lực thể chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả mà bạo lực thể chất để lại cho trẻ em. Và các kỹ năng để tự bảo vệ mình tránh xa khỏi nạn bạo lực thể chất. Đây cũng là dịp để em được giao lưu, trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm với bạn bè về cách phòng, chống bạo lực thể chất. Từ đó, áp dụng vào thực tiễn cuộc sống".
Có thể khẳng định, ngoài các hoạt động tuyên truyền, thông qua các lớp tập huấn về phòng, chống bạo lực về thể chất sẽ giúp trẻ em biết cách tự phòng ngừa, ngăn chặn khỏi các hình thức bị bạo lực, bị phân biệt đối xử, xâm phạm thân thể, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Từ đó, tiến tới xây dựng cho các em một môi trường sống an toàn, lành mạnh.