Để người Việt hạnh phúc

LTS: 'Độc lập - Tự do - Hạnh phúc' là tiêu ngữ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chúng ta. Để giành được độc lập, bao thế hệ đã phải trả bằng máu. Để được tự do, chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều giữa bao nhiêu sóng gió bên ngoài lẫn những tồn đọng nội tại. Và để được hạnh phúc, chúng ta cần làm gì? Người Việt phải được hạnh phúc, đó chính là mục tiêu lớn mà chính tiêu ngữ kia luôn nhắc nhở chúng ta mỗi ngày.

Hạnh phúc và 10 tỷ trong ngăn kéo

Năm 1974, Richard Easterlin, một giáo sư đại học người Mỹ, đã công bố nghiên cứu nổi tiếng có tên “Tăng trưởng kinh tế có cải thiện được hạnh phúc con người?”. Ông đã bỏ ra 5 năm để đi tìm mối liên hệ giữa hạnh phúc và thu nhập của 37 quốc gia từ giàu đến nghèo.

Trước đó, hạnh phúc của một quốc gia đơn giản là tăng thu nhập: cứ kiếm nhiều tiền là vui. Và một quốc gia phát triển được đánh giá đơn thuần dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đo toàn bộ tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của đất nước trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhưng Easterlin đã phát hiện rằng nếu xem xét ở một thời điểm cụ thể, thì tiền bạc và hạnh phúc quốc dân có liên quan với nhau. Tuy nhiên, theo thời gian, “hạnh phúc người dân sẽ không tăng thêm dù thu nhập được cải thiện”, ông viết.

Easterlin dùng một ẩn dụ để mô tả cảm giác thiếu hạnh phúc: nếu nhà bạn nằm cạnh dinh thự của một tỷ phú, thì bạn sẽ luôn nghĩ ngôi nhà mình là một túp lều. Khoảng cách thu nhập, bao hàm trong nó cả khoảng cách về việc tiếp cận chăm sóc y tế, giáo dục, tự do tài chính, các cơ hội, và thậm chí là cả sự tự tin; làm con người cảm thấy mình bất hạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lên đến từ 6-12 lần tùy tỉnh/thành phố. Ví dụ tại Hà Nội, nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất khoảng hơn 13 triệu/tháng, trong khi nhóm thấp nhất là 2 triệu, tức chênh nhau 6,5 lần.

Hai năm trước, Bộ Công an tiết lộ một chi tiết đáng nhớ: khi khám xét nơi ở của nhiều bị can của vụ Việt Á, cơ quan chức năng tìm thấy nhiều người cất trong ngăn kéo hơn 10 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta đang ở mức khoảng 4.700 USD, tức là để kiếm ra số tiền trong ngăn kéo của nhiều người đã tham gia vào đường dây Việt Á, một người Việt bình thường sẽ phải mất… 84 năm lao động liên tục. Nếu bạn thuộc nhóm thấp nhất (mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng), thì phải mất 421 năm.

Có những cuộc đời đã khép lại chỉ vì một con số chưa bằng một tờ lẻ của những tập tiền trong ngăn kéo ấy: một shipper ở Đà Nẵng bị đánh chết khi đi đòi tiền khách hàng trả chậm và đánh giá anh một sao, để công ty giao hàng phạt anh ta 500.000 đồng.

Anh này trên danh nghĩa chỉ là một “đối tác” của công ty giao nhận, không có lương cứng và không được công ty hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Với khách hàng, anh không có quyền phản kháng, bởi hệ thống chấm điểm sẽ gí anh xuống đáy của danh sách tài xế, và phạt thêm một khoản tiền có thể bằng 2-3 ngày chạy xe liên tục của anh.

Trong các bản báo cáo tổng kết về sự phát triển của các quốc gia, cuối cùng thì những con số vẫn được ưu tiên: GDP năm 2024 ước tính sẽ tăng 7,09% so với năm trước, mức tăng trưởng cao thứ 4 trong giai đoạn 2011-2024, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022. Càng nhiều của cải đáng ra phải càng vui chứ?

Nhưng những số phận kể trên đã không được tính đến, trong các văn bản thống kê lạnh lùng. Góc khuất nằm ở đâu? Nhà xã hội học Đan Mạch Gosta Esping-Andersen đã chỉ ra trong cuốn “The Three Worlds of Welfare Capitalism” (Ba thế giới của tư bản phúc lợi, xuất bản năm 1990): “Thị trường trở thành một nhà tù đối với người lao động”.

Để tồn tại và cố gắng phát triển, mọi người chấp nhận các tiêu chuẩn của “nhà tù thị trường”: chủ nghĩa cá nhân cạnh tranh, chủ nghĩa vị kỷ, và lợi ích vật chất ngắn hạn. Trong thực tế, những giá trị này làm giảm đi một cuộc sống thỏa mãn.

Khi mọi thứ đều đo lường bằng tổng giá trị hàng hóa, thì con người cũng trở thành hàng hóa. Bạn có từng nghe những câu chuyện về shipper và buông ra một câu lạnh lùng: ôi dào không làm thì có người khác làm.

Khi đó, bạn có thái độ với anh ta như chính một món hàng, và chính công ty của anh ta cũng thế: họ không có nghĩa vụ phải đối xử với anh ta với đúng những trách nhiệm với một con người, vì không có hàng hóa này thì sẽ có hàng hóa khác. Không có người này sẽ có người khác chịu bán sức lao động với những điều kiện hết sức tồi tệ.

Điều này có nghĩa là việc tập trung hẹp vào chỉ số tăng trưởng kinh tế thô là một sai lầm hay không? Tôi không biết, vì xung quanh người ta cũng chỉ tập trung vào các con số như thế, chứ đi hỏi người lao động xem anh/chị có hạnh phúc không thì lại dễ bị cho là bất bình thường, thậm chí dở hơi.

Nhưng có lẽ chúng ta cũng cần lưu tâm đến niềm vui sống một chút chăng, vì ngoài số hàng hóa sản xuất được, con người cần thêm quyền tiếp cận y tế, giáo dục, nhu cầu nhà ở, và thậm chí là phẩm giá? Con người không phải là cỗ máy, và của cải suy cho cùng là để phục vụ cho một đời sống hạnh phúc và đáng sống hơn mỗi ngày.

Phạm An

Vạn định nghĩa về hạnh phúc

Một ngày mùa Xuân hai năm trước, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng gửi đăng một bài báo với tiêu đề “Hạnh phúc là gì?”.

Ngoài uy tín của một học giả tên tuổi, chia sẻ của một người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, lại đang mang trọng bệnh, khiến cho những tâm sự trong bài báo trở nên đáng suy ngẫm.

Vị giáo sư già đưa ra nhiều kiến giải về hạnh phúc. Ông nêu ra sáu “loại hạnh phúc”. Đó là niềm vui, phấn khích, lòng biết ơn, niềm tự hào, lạc quan, mãn nguyện. “Trên thực tế, hạnh phúc là một loại trải nghiệm, một trạng thái tâm trí, một cảm giác, một loại lĩnh hội và một loại bình tĩnh trong cuộc sống”.

Đó có lẽ cũng là cách định nghĩa mà nhiều người đồng thuận: hạnh phúc là một dạng cảm xúc chủ quan. “Đừng biến thứ gì đó được định nghĩa rộng rãi là hạnh phúc thành mục tiêu của bạn”, giáo sư đúc rút. Mặc dù quốc gia, cộng đồng có các mục tiêu phát triển phổ quát, từ tăng cường kinh tế, củng cố chính trị đến phát triển văn hóa, mỗi người sẽ có cách tận hưởng hạnh phúc khác nhau.

Ngày cuối năm, bạn sẽ nhìn thấy điều đó ở một phiên chợ vùng cao ngày 28 tháng Chạp. Mấy bản nhỏ, thưa nóc nhà nằm nép bên con đường bê tông nhỏ vắt qua núi. Vài chiếc xe tải nhỏ dừng lại, người bán trải ra những tấm bạt bên vệ đường rồi chuyển “siêu thị mini” của mình từ thùng xe xuống. Trên tấm bạt là một danh mục hàng hóa rõ ràng được “đo ni đóng giày” theo khẩu vị của bà con. Bánh kẹo, mứt Tết, nước ngọt; có cả mì ăn liền, nước mắm, gia vị, hành tỏi măng khô; giày dép, đồ gia dụng, lại thấy cả nhang đốt, vàng mã, bao lì xì và đồ trang trí nhà cửa; nhưng vẫn có thêm cả một vài thùng đựng rau củ tươi.

Bà con từ các triền đồi quanh đó chạy xe máy tụ lại, rôm rả mua bán. Đứng đó quan sát và nhẩm tính, bạn thấy mỗi người hình như chỉ mua vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng tiền hàng. Mỗi thứ một chút, hỏi giá và tính toán khá lâu.

Mua bán ở đây không giống như những cuộc mua bán gần giao thừa nơi thành phố, khi người ta vội vàng đậu xe lại, chỉ tay lấy đồ rồi vội vàng phóng đi. Bà con có ít tiền mặt lắm: làm nương cả năm, hết ngô lại đến rau màu, có khi chỉ để ra được mấy chục triệu, tức là trung bình mỗi tháng chỉ có vài triệu đồng để tiêu thôi, không tính lương thực tự cung tự cấp. Nhưng ai cũng có vẻ vui. Cười cười nói nói, hoan hỉ kiểm đếm, khệ nệ giúp nhau bê lên xe máy, chằng buộc, rồi lại tỏa đi những con đường nhỏ về các triền núi xa.

Ngày đầu năm, bạn sẽ nhìn thấy cách tận hưởng hạnh phúc riêng ở một lễ hội nơi đồng bằng. Những người dân từ khắp nơi đổ về một chân núi. Trên đỉnh núi là ngôi đền thờ vị thánh mẫu. Nhưng người ta không chỉ xin lộc, cầu an rồi đi về. Họ trải chiếu, cả gia đình, ngồi rải rác chân núi lên đến sân chùa. Họ cùng ăn uống, hay chỉ ngồi đó ngắm người lại qua.

Hàng trăm nghìn người cùng dự buổi lễ - mà không rõ là hành hương hay cắm trại đó. Từ trên cao chụp ảnh xuống, là một biển người trên những chiếc chiếu, tấm bạt muôn màu sắc.

Nếu bạn là một người hướng nội, hay là một cư dân Hà Nội và Sài Gòn, rất có thể bạn không hiểu được những đám đông như thế. Bạn đã thấy mệt với những dòng người và những âm thanh. Nhưng niềm vui đến theo những cách rất riêng.

Tại phiên chợ vùng cao, bạn mua một chiếc bánh. Giá của nó là 2.000 đồng, chỉ có bột và một chút đường. Tại lễ hội ở miền quê, bạn mua một ly cà phê, giá của nó là 15.000 đồng, có khuyến mại cả trà đá. Bạn nhận ra rằng sự thỏa mãn có thể đến trong muôn hình vạn trạng.

Chúng ta sẽ luôn có thứ gì đó được định nghĩa rộng rãi là hạnh phúc. Nhưng chúng ta không thể áp đặt định nghĩa phổ quát lên cảm nhận chủ quan của con người. Khi biên tập viên Chuyên đề An ninh thế giới đưa ra đề bài: “Làm thế nào để người Việt Nam hạnh phúc?”, người viết đang trong cuộc độc hành trên các tỉnh miền cao (và ăn cái bánh rán 2.000 đồng không có nhân). Rất khó thành lập logic: chúng ta, trong tư cách thành viên cộng đồng, vẫn phải trả lời câu hỏi làm thế nào để cộng đồng của mình hạnh phúc hơn. Nhưng đồng thời, ta cũng nhận thức rõ ràng rằng không có câu trả lời chung cho hạnh phúc.

Chúng ta buộc phải đưa ra câu trả lời riêng cho từng cộng đồng, từng ngôi làng và từng gia đình. Để làm được điều đó, ngoài các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vĩ mô, hạnh phúc phải kiến tạo từ những quan tâm vi mô. Tư tưởng “gần dân” là một trong những nội dung được nhấn mạnh liên tục và xuyên suốt hệ thống chính trị Việt Nam kể từ khi lập nước, thậm chí từ các triều đại phong kiến đã luôn con “dân vi bản”. Nhưng đó không chỉ là nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, hạnh phúc sẽ chỉ đến nếu sự quan tâm đến từ mọi thành phần, tầng lớp: Những sản phẩm và dịch vụ tốt sẽ chỉ được tạo ra bởi các doanh nghiệp quan tâm đến người tiêu dùng – những người chỉ có vài trăm nghìn đồng để tiêu Tết hay tận hưởng lễ hội trên một tấm chiếu dưới chân núi. Những tác phẩm văn học nghệ thuật hay sẽ chỉ được kiến tạo nhờ vào những người sáng tác quan tâm đến quần chúng – những người vẫn đang sống chủ yếu ở nông thôn (chứ không phải trong những căn hộ hạng sang với những tình yêu và cuộc đánh ghen diễm lệ). Và tất nhiên những chính sách vĩ mô, cũng chỉ đi vào cuộc sống nếu chúng xét đến số phận của những người nhỏ bé nhất, ít tiếng nói nhất.

Có một giai đoạn dài chúng ta phải sống cùng các văn bản “chung chung, dàn trải” (chữ trong Nghị quyết số 28-NQ/TW). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví von rằng: “Nghị quyết thì thật rằng hay/Xem ra thực hiện còn gay trăm bề”. Trên thực tế, một văn bản có dài đến đâu cũng không thể bao phủ được hết thực tế cuộc sống, nhất là khi hạnh phúc của nhân dân được định nghĩa theo điều kiện kinh tế riêng, đời sống tinh thần riêng, tập tính văn hóa riêng của từng con người, từng cộng đồng. Để thực sự vươn tới “Hạnh phúc” trong tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sự quan tâm chân thành giữa con người và con người vẫn là điều kiện tiên quyết.

Đức Hoàng

Hạnh phúc phải là mục tiêu của kỷ nguyên mới

Sẽ là một vòng luẩn quẩn, lặp đi lặp lại, nếu chúng ta sa đà vào chuyện lý giải hạnh phúc là gì trước khi phấn đấu tới hạnh phúc. Để bàn về hạnh phúc, vài dòng trên vài trang báo không bao giờ là đủ bởi nó có thể là một đề tài triết học đủ để con người ta viết ra cả bộ sách. Nhưng không xác định được thế nào là hạnh phúc thì cũng khó phấn đấu đạt được hạnh phúc. Thôi thì cứ tạm xác định hạnh phúc là một trạng thái cảm giác của cá nhân và cố gắng đạt tới những mục tiêu xã hội cụ thể mà ở đó trạng thái cảm giác chung nhất của cộng đồng là sự thỏa mãn nhất định nào đó là đủ rồi.

Trước khi nói dài dòng, chúng ta hãy thử tự trả lời một câu hỏi rằng “Đa số người Việt hôm nay có cảm thấy hạnh phúc chưa?”. Để trả lời câu hỏi quá rộng ấy, trước tiên cần phải gạt bỏ mọi vấn đề riêng tư của từng cá nhân cụ thể mà chỉ nhìn vào mẫu số chung cho những con người cùng tồn tại trong một xã hội với những nhu cầu cụ thể đối với cộng đồng, quốc gia mà những cá nhân ấy thuộc về. Có thể, đáp án chung thỏa mãn rất nhiều người nhưng vẫn sẽ có những cá biệt cảm thấy bất hạnh vì hoàn cảnh đời tư của họ và các cá biệt ấy phải được tách bạch ra khỏi bối cảnh chung. Có như thế, câu trả lời mới có thể đủ tính phổ quát được.

Trên quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy người Việt chưa được hạnh phúc và đó cũng là điểm bất toàn mà tôi cảm thấy còn mang lại hy vọng. Khi chưa được hạnh phúc, điều đó có nghĩa là xã hội còn nhiều dư địa để cải thiện, phát triển, phấn đấu. Còn khi đã đủ đầy quá rồi, chắc chắn con người trong xã hội sẽ thụ động hơn rất nhiều, thậm chí trì trệ đi và có khả năng sẽ bước vào những suy thoái khác mà chúng ta khó có thể tiên liệu được hệ quả. Và suy cho cùng, chưa có một quốc gia nào, cộng đồng nào trên trái đất này dám khẳng định rằng người dân ở đó hoàn toàn hạnh phúc cả. Hạnh phúc luôn là một trạng thái không thể với tới. Nó là mục đích để con người ta phấn đấu cải thiện từng trạng thái của mình theo thời gian.

Song, nói gì thì nói, chúng ta cũng phải đặt ra các tiêu chuẩn so sánh từ các mục tối thiểu trở đi để đánh giá xem trạng thái của người Việt hiện nay ra sao. Các mục tối thiểu ấy sẽ nằm hầu hết ở những gì mà người Việt được thụ hưởng mỗi ngày, từ các dịch vụ miễn phí cho tới những dịch vụ phải trả phí. So sánh với nhiều nước, rõ ràng, người Việt chưa được nhận những gì tốt nhất trong điều kiện kinh tế - xã hội có thể mang lại. Đó là lý do tại sao chúng ta không thiếu bác sỹ giỏi nhưng vẫn có nhiều người phải ra nước ngoài chữa bệnh, một ví dụ rất cụ thể và thiết thực nhất. Nếu việc chăm sóc y tế ở trong nước đủ mang lại sự thỏa mãn, chắc chắn sẽ không ai dại gì bỏ ra một khoản chi phí lớn cùng một hành trình mệt mỏi kéo dài để chữa bệnh ở nước ngoài làm gì.

Từ một ví dụ kể trên, mỗi người có thể tìm ra rất nhiều ví dụ khác về sự chênh lệch thụ hưởng giữa người Việt và người nước ngoài. Hạnh phúc, suy cho cùng, phải được đánh giá dựa trên những thứ mà mọi người được thụ hưởng trước đã. Và khi nói đến chênh lệch thụ hưởng giữa người Việt với người dân ở các nước khác, chắc chắn sẽ lại có những người lặp đi lặp lại một đổ lỗi rất thuần túy là quy trách nhiệm cho thể chế. Đúng là thể chế có nhiều điểm nghẽn cần phải khắc phục. Công cuộc đổi mới hiện nay cũng xoáy sâu vào khắc phục các điểm nghẽn ấy. Song, để mang lại thụ hưởng giúp người dân trong một quốc gia đạt được trạng thái “hạnh phúc hơn”, phải chăng chỉ một mình thể chế phải gánh trách nhiệm? Xin trả lời thẳng thắn rằng, chính mỗi thành phần, mỗi cá nhân trong xã hội phải tự đảm lãnh lấy trách nhiệm “mang lại hạnh phúc cho đồng bào” như một sứ mệnh trọn đời. Chỉ có sự cộng hưởng của một tinh thần trách nhiệm chung như thế, xã hội Việt Nam mới có thể tiến tới gần hơn mục tiêu hạnh phúc.

Hãy nhớ lại điều gì đã xảy ra cách đây 40 năm, đúng vào giai đoạn đổi mới, mở cửa mà Đại hội VI đã đặt ra. Cơ hội thông thương đã khiến thị trường trong nước tràn ngập hàng ngoại nhập mà điển hình nhất trong đó là hàng “nội địa Nhật”. Những chiếc xe Cub Nhật hàng bãi đã từng là tài sản của mỗi gia đình ở thời điểm đó và cho đến hôm nay, sau gần nửa thế kỷ được nhập khẩu về Việt Nam ở dạng hàng dùng rồi (second hand), nhiều trong số chúng vẫn lăn bánh, vẫn chạy tốt. Điều đó có gợi ý chúng ta được gì hay không? Hãy nghĩ tới duy nhất một điểm: Tại sao hàng hóa người Nhật sản xuất cho dân Nhật lại tốt, bền, đẹp đến như vậy?

Cho đến tận hôm nay, hàng nội địa Nhật Bản vẫn ở một tiêu chuẩn chất lượng mà phần còn lại của thế giới luôn phải ngưỡng mộ. Tại sao một quốc gia chú trọng xuất khẩu như Nhật Bản lại có thể tập trung sản xuất những món hàng nội địa còn tốt hơn hàng xuất khẩu? Cơ bản, tất cả các doanh nghiệp của họ, dù có cạnh tranh nhau khốc liệt đi nữa, cũng đều cùng mang một tâm thức rất chung. Đó là trước nhất, phải mang lại cho đồng bào mình những sản phẩm chất lượng nhất.

Không chỉ là hàng điện máy đơn thuần mà ngay cả thực phẩm cũng nằm trong mục tiêu chung đó của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuổi thọ, sức khỏe của người Nhật rất tốt so với cộng đồng Đông Á nói chung cũng bởi người dân của họ được ưu tiên sử dụng những thứ mà chất lượng được kiểm định gắt gao nhất. Việc họ đặt đồng bào làm trọng tâm đã tạo ra một nền văn hóa sản xuất có đặc thù rất rõ nét là phục vụ hạnh phúc của quốc dân. Đây chính là điều mà không nhiều quốc gia, dân tộc thực hiện được. Câu hỏi bây giờ cần đặt ra hơn là “Việt Nam có thể làm được điều đó hay không?”.

Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Đầu tiên, địa chỉ mà chúng ta quen quy trách nhiệm duy nhất (là thể chế) lại luôn ủng hộ việc tập trung những gì tốt nhất cho đồng bào. Nếu xem xét lại thật kỹ các nghị quyết, chính sách của Đảng, Chính phủ, chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng luôn có một hành lang mở rộng và khuyến khích việc tăng cường chất lượng sản phẩm quốc nội. Do vậy, sẽ không bàn đến câu chuyện thể chế ở đây nữa. Thay vào đó, cần phải nhìn vào chính trách nhiệm của những nhà sản xuất nội địa, những đơn vị đã bắt đầu quá quen với lối mòn chạy theo các con số và sức hấp dẫn của xuất khẩu mà bỏ quên đi một trách nhiệm rất lớn với thị trường phục vụ chính đồng bào của mình.

Việc xây dựng một văn hóa “vì đồng bào” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự là tối cần thiết để Việt Nam có thể vươn tới trạng thái của một quốc gia có đa số dân chúng cảm thấy hạnh phúc. Câu chuyện một chuỗi siêu thị sử dụng giá đỗ không sạch bị phanh phui trước Tết nguyên đán Ất tỵ chính là ví dụ rõ nét nhất của lề lối kinh doanh không hướng tới lợi ích của đồng bào. Và cũng cần phải xác định rõ luôn, văn hóa “vì đồng bào” này không phải là một dạng phục vụ miễn phí đơn thuần, không phải trách nhiệm xã hội đơn thuần, mà là ý thức quốc dân rõ rệt thì đúng hơn. Nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh vẫn thu lợi nhuận từ việc cung cấp sản phẩm cho đồng bào của mình chứ không hề bị buộc phải thực hiện nó mà không có chút lợi ích kinh tế nào. Vậy thì tại sao không thực hiện công việc ấy một cách hoàn thiện hơn, làm cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình cảm thấy ngày một ưng ý hơn, mạnh khỏe hơn cả về thể chất lẫn tinh thần? Khách hàng càng sống thọ hơn, sức trung thành với sản phẩm càng bền hơn, lợi ích của doanh nghiệp cũng bền hơn. Cái lâu dài ấy, dường như quá ít người cố gắng phấn đấu đạt tới. Thay vào đó, đa phần chỉ nhìn vào ngắn hạn, với cách thu lợi nhanh nhất nhưng chưa hẳn đã là nhiều nhất.

Thật sự, nếu như ngay từ hôm nay, những ngày đầu tiên ở ngưỡng cửa Kỷ nguyên mới, tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam đều chuyển mình chung một tư duy “vì đồng bào” hoặc “để làm người Việt hạnh phúc hơn”, chắc chắn, chỉ 10 năm nữa thôi, thị trường nội địa sẽ tích cực hơn rất nhiều và mặt bằng xã hội Việt Nam cũng sẽ tiến bộ hơn rất nhiều. Tư tưởng ấy càng lan rộng, đời sống xã hội sẽ ngày một chuyển biến hơn. Nó không chỉ thay đổi cách chúng ta bán một mớ rau, một miếng thịt cho người Việt mà còn thay đổi cả trong cách chúng ta quy hoạch từng khu đô thị, từng khu dân cư, từng khu phức hợp… Đặt người Việt vào trọng tâm, chúng ta vẫn còn có thể nhìn thấy thế giới. Ngược lại, nếu đặt thế giới làm trọng tâm, chúng ta có thể không còn nhìn thấy người Việt nữa.

Đến đây, chắc sẽ có bạn đọc đưa ra câu hỏi: “Nhưng hàng chất lượng ngày càng cao, e rằng vật giá cũng sẽ thay đổi cho xứng tầm, với thu nhập của người Việt liệu có đáp ứng tiêu thụ nổi?”. Đây là câu hỏi hay, dứt khoát nên phải đặt ra. Vâng, nếu cả xã hội chuyển biến như thế, chắc chắn tác động của kinh tế lên xã hội sẽ khiến thu nhập người Việt cũng được cải thiện. Còn chuyện thu nhập trong lĩnh vực công có cải thiện theo kịp hay không thì câu trả lời sẽ quay về đúng nơi chúng ta hay quy trách nhiệm ban đầu là thể chế. Chắc chắn, trong công cuộc cải cách và chuyển mình mạnh mẽ để gỡ các điểm nghẽn thể chế hiện nay, sẽ không lâu nữa, chính sách thu nhập cho lao động lĩnh vực công cũng sẽ phải thay đổi, bởi chỉ có những người làm việc cảm thấy hạnh phúc mới có thể xây dựng những sách lược mang lại hạnh phúc cho đồng bào mình.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/de-nguoi-viet-hanh-phuc-i758636/