Đề nghị cấm hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật

Trước tình trạng nhiều người dân tự ý lập chốt thu phí, đại biểu Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật vào các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong dự thảo Luật Đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) tham gia ý kiến thảo luận ở hội trường sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) tham gia ý kiến thảo luận ở hội trường sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường bộ.

Sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm cụ thể, rõ ràng

Góp ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho biết, tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Luật quy định về hành vi bị nghiêm cấm là lấn chiếm sử dụng xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định này cần phải loại trừ đối với các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 32 của dự thảo, bao gồm các trường hợp thi công trên đường bộ đang khai thác không phải cấp giấy phép. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự thảo luật; hoặc thể hiện lại khoản 3 Điều 7.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, trong khi đó khoản 2 Điều 21 của dự thảo luật quy định tổ chức cá nhân khi xây dựng, cải tạo, mở rộng, bảo trì công trình và tiến hành các hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ phải được phép theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của dự thảo Luật.

“Như vậy, đối với các hành vi cải tạo, mở rộng công trình và các hoạt động khác nếu không được phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ có bị coi là vi phạm điều cấm hay không?”, đại biểu đặt vấn đề, đồng thời đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ để quy định các hành vi bị nghiêm cấm bảo đảm đầy đủ, bao quát.

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Có chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị bổ sung hành vi lập chốt thu phí sử dụng đường bộ trái pháp luật vào các hành vi bị nghiêm cấm.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho biết thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tự ý lập chốt thu phí. Mặt khác theo Nghị định 100/2029/NĐ-CP có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng hoặc thành lập trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước đồng ý. Do đó, việc bổ sung hành vi này vào điều cấm là phù hợp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), dự thảo Luật đã liệt kê 6 hành vi bị cấm đối với hoạt động đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài 6 hành vi bị cấm ở trong dự thảo Luật thì có thể là có phát sinh thêm những hành vi bị cấm khác.

Để bảo đảm được tính ổn định lâu dài của văn bản, tránh quy định cứng nhắc, khó thực hiện và để phòng ngừa các vấn đề phát sinh thêm những hành vi cấm khác, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một khoản quy định là các hành vi cấm khác theo quy định của pháp luật để cho phù hợp và có tính khả thi...

Tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động

Về hoạt động vận tải đường bộ, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, khoản 10 Điều 56 dự thảo Luật quy định: đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất.

Theo đại biểu, quy định nêu trên nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, việc này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về cơ bản, mô hình này cho phép các hành khách khác nhau có cùng lộ trình nhưng khác điểm đón và trả khách có thể đi chung một chuyến xe. Hành khách sẽ được hưởng cước phí di chuyển rẻ hơn, còn người lái xe cũng được gia tăng thu nhập do lượng hành khách trong một chuyến xe tăng lên.

“Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì nó có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường. Những tác động này sẽ góp phần giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông”, đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, mô hình chia sẻ chuyến đi cũng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, khi thông qua việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông, mô hình này sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon đến từ hoạt động giao thông nói chung.

Trong dài hạn, việc giảm lượng khí thải carbon sẽ góp phần tích cực vào chống biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn, cũng như góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị COP26 năm 2021.

Do vậy, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động.

Nêu quan điểm về xe ghép, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, bên cạnh hợp đồng bằng giấy và điện tử như quy định hiện có, dự thảo Luật Đường bộ cần xem xét bổ sung thêm một số hình thức hợp đồng khác như thỏa thuận bằng lời nói, tin nhắn…

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) góp ý kiến vào dự thảo Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ngoài ra, đối với quy định phải thuê cả chuyến, đại biểu tới từ Hải Dương cho biết, trong thực tế hiện nay đã xuất hiện hình thức xe ghép. Hành khách được đón và trả tại một số điểm.

“Đây là hình thức rất được ưa chuộng. Do đó, cần điều chỉnh quy định, bởi nếu yêu cầu phải thuê xe cả chuyến sẽ gây khó cho cả người dân và doanh nghiệp kinh doanh loại hình này”, đại biểu Nga nêu quan điểm.

Đại biểu đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết để quản lý loại hình kinh doanh vận tải này, có thể thông qua hoạt động đăng ký, đăng kiểm.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho biết: Việc chia sẻ xe hợp đồng cho hành khách có cùng cung đường di chuyển nhằm tối ưu hóa chuyến đi đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, hình thức này cũng nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng. Thực tế, xe chia sẻ sẽ góp phần làm giảm phương tiện, giảm áp lực giao thông, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Cho rằng đây là thí dụ điển hình của kinh tế chia sẻ, đại biểu Trí đề nghị cần xem xét điều chỉnh các quy định để phù hợp với thực tiễn, tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-nghi-cam-hanh-vi-lap-chot-thu-phi-su-dung-duong-bo-trai-phap-luat-post810377.html