Đề khảo sát Ngữ văn: 'Đến cỏ dại cũng đàng hoàng mà sống'

Đoạn trích trong tác phẩm 'Đến cỏ dại cũng đàng hoàng mà sống' của tác giả Phạm Sĩ Thanh được dùng làm ngữ liệu đọc hiểu cho đề khảo sát chất lượng lớp 12 môn Ngữ văn tỉnh Bắc Ninh.

Đoạn trích: Đến cỏ dại cũng đàng hoàng mà sống của Phạm Sĩ Thanh vào đề thi Ngữ văn. Đồ họa: TTH

Đoạn trích: Đến cỏ dại cũng đàng hoàng mà sống của Phạm Sĩ Thanh vào đề thi Ngữ văn. Đồ họa: TTH

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Bạn không thể hai lần sống trong tuổi thanh xuân, vì thế đừng để tuổi trẻ trôi đi trong thở dài và im lặng. Cánh buồm chỉ no gió khi nó được ra khơi, khi cánh buồm căng cũng là lúc con thuyền tăng tốc lao nhanh về phía biển. Vấn đề là bạn phải giong buồm ra biển trước. Kết quả của sự cố gắng thường rất ngọt ngào, vì bản năng của loài người là chinh phục chứ không phải hưởng thụ. Nếu bạn đã đọc "Nhà giả kim", bạn sẽ hiểu rằng tuy kho tàng thật sự không nằm ở đâu xa, nó nằm ngay bên cạnh mỗi chúng ta nhưng nếu không dấn thân vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm, con người sẽ mãi mãi không bao giờ biết được kho tàng ở dưới chân mình. Nhờ những chuyến phiêu lưu, loài cỏ dại nhỏ bé đã ghi tên mình lên tất cả các châu lục, chúng mở rộng lãnh địa bằng những chuyến đi không ngừng nghỉ. Còn bạn, những con người trẻ và khỏe, bạn đã chuẩn bị gì cho chuyến phiêu lưu của cuộc đời mình?

(Đến cỏ dại cũng đàng hoàng mà sống, Phạm Sĩ Thanh, Nhà xuất bản Thế giới, 2018, trang 240)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo văn bản, vì sao bạn đừng để tuổi trẻ trôi đi trong thở dài và im lặng?

Câu 2. Tác giả cho rằng con người sẽ mãi mãi không bao giờ biết được kho tàng ở dưới chân mình nếu không thực hiện điều gì?

Câu 3. Hãy chỉ ra hiệu quả của biện pháp ẩn dụ trong câu văn sau: "Cánh buồm chỉ no gió khi nó được ra khơi, khi cánh buồm căng cũng là lúc con thuyền tăng tốc lao nhanh về phía biển."

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải trân trọng tuổi thanh xuân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương

* * *

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

* * *

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

* * *

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

(Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, Tập một, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2010, trang 155 - 156)

Phân tích đoạn trích, từ đó nhận xét vẻ đẹp tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện qua đoạn trích.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Theo văn bản, bạn đừng để tuổi trẻ trôi đi trong thở dài và im lặng vì: không thể hai lần sống trong tuổi thanh xuân.

Câu 2. Tác giả cho rằng con người sẽ mãi mãi không bao giờ biết được kho tàng ở dưới chân mình nếu không: dấn thân vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm.

Câu 3. Biện pháp tu từ ẩn dụ: "cánh buồm", "gió", "khơi", "con thuyền", "biển". Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của khát vọng, ước mơ và những nỗ lực hành động để vươn tới thành công. Làm cho câu văn giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm, hấp dẫn.

Câu 4. Khát vọng, ước mơ; sự nỗ lực hành động để vươn tới thành công; vai trò, ý nghĩa của sự trải nghiệm...

II LÀM VĂN

Câu 1. Sự cần thiết phải trân trọng tuổi thanh xuân: Tuổi thanh xuân là giai đoạn phát triển nhất về thể xác, trí tuệ lẫn tâm hồn, là khoảng thời gian đẹp nhất nhưng vô cùng ngắn ngủi, có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời mỗi con người.

Đừng để thanh xuân trôi qua trong hối tiếc, hãy nỗ lực hành động để đạt được ước mơ, khát vọng của mình, sống ý nghĩa, dám đương đầu với thử thách, sẵn sàng cống hiến. Phê phán lối sống ích kỉ, vô trách nhiệm, hèn nhát, lười biếng.

Câu 2. Phân tích đoạn trích, từ đó nhận xét vẻ đẹp tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện qua đoạn trích trong bài thơ "Sóng".

Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm "Sóng" và đoạn trích.

Cảm nhận nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ:

- Về nội dung: Sự thủy chung, niềm tin mãnh liệt cùng khát vọng hóa thân cao đẹp của người phụ nữ trong tình yêu.

Khẳng định sự thủy chung, son sắt trong tình yêu: dù Bắc - Nam xa cách, xuôi - ngược đầy thử thách, thăng trầm, vẫn luôn hướng về phương duy nhất - phương anh.

Nhận thức được những khó khăn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, đồng thời thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu, như con sóng, dù muôn vời cách trở, vẫn tìm về tới bờ.

Cảm nhận về sự hữu hạn của đời người và khát vọng muốn làm trăm ngàn con sóng, hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn tình yêu để hóa thân thành bất tử.

- Về nghệ thuật: thể thơ ngũ ngôn, thể thơ ngũ ngôn giàu nhịp điệu, hình tượng sóng và em song hành cùng các biện pháp: điệp, đối lập tương phản, nhân hóa.

- Đánh giá: Đoạn thơ đã khắc họa được vẻ đẹp tình yêu và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu: mãnh liệt, đắm say, chung thủy, luôn biết gắn chặt với cuộc đời; tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh.

Vẻ đẹp tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện qua đoạn trích:

- Qua hình tượng sóng, bài thơ khắc họa vẻ đẹp tình yêu của người phụ nữ: thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt qua thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.

- Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình, cái tôi Xuân Quỳnh chân thành đằm thắm, mãnh liệt và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-khao-sat-ngu-van-den-co-dai-cung-dang-hoang-ma-song-179240514101557707.htm