Để doanh nghiệp cơ khí Việt không 'lép vế' trên sân nhà

Là thị trường quy mô tỷ đô nhưng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam gần như đang bị 'lép vế' trước khối doanh nghiệp FDI. Nhiều điểm nghẽn đang khiến doanh nghiệp và sản phẩm Việt khó cạnh tranh với hàng ngoại.

Doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị phần

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 41,478 tỷ USD. Tuy nhiên, thị phần xuất khẩu lĩnh vực này vẫn chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI khi chiếm tỷ trọng gần 93%.

Theo báo cáo của Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Thực tế cho thấy, cơ hội cho ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam phát triển để cạnh tranh không phải không có, nhưng, hàng loạt các vướng mắc, bất cập vẫn đang “kìm” chân doanh nghiệp. Nguyên Chủ tịch VAMI Đào Phan Long cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trên dưới 40 tỷ USD các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng.

Sản xuất gia công cơ khí tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Ngành cơ khí nội địa Việt Nam không có được nhiều thị phần, bởi phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện. Đồng thời, chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác, dẫn đến cơ khí nội địa bị thua thiệt ngay trên sân nhà. “Doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0%, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%”- ông Long dẫn chứng.

Dưới góc độ doanh nghiệp Phó Tổng giám đốc Thaco Industries Huỳnh Quang Nhung cho rằng, mặc dù Nhà nước đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm thân hữu nên từ chối tiếp nhận sản phẩm của doanh nghiệp nội.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc (Bộ KH&ĐT) Trần Thị Huế, hiện có tới 70% doanh nghiệp cơ khí Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu vốn nhưng nguồn vốn vay lãi suất khá cao nên không dám tiếp cận.

sản xuất tại Tập đoàn inox Hoàng Vũ. Ảnh: Hoài Nam

“Lợi nhuận cao nhất của các doanh nghiệp cơ khí chỉ đạt bình quân từ 3 - 5%/năm nhưng ngân hàng lại cho vay với lãi suất lên đến gần 8%/năm, nên doanh nghiệp không dám vay bởi cầm chắc thua lỗ”- bà Huế nói.

Cần chính sách khuyến khích cơ khí Việt phát triển

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành cơ khí Việt Nam đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI đòi hỏi cơ quan quản lý có những cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, yêu cầu các dự án kinh tế ưu tiên sử dụng hàng nội địa.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình cho rằng, muốn ngành cơ khí trong nước phát triển phải có được thị trường, nhưng để làm được điều này đòi hỏi Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước theo hướng nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu.

sản xuất gia công cơ khí tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Hiệu trưởng trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) PGS Trương Hoành Sơn kiến nghị, muốn tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ”. Cần nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu theo hướng nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế. “Việt Nam dự kiến triển khai nhiều dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như Quy hoạch điện giai đoạn 2021-2030, đường sắt tốc độ cao, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, đóng tàu, ô tô, xe máy… Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia theo thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp cơ khí trong nước”- ông Sơn đề xuất.

Sản xuất gia công cơ khí tại Công ty CP Công nghệ kim khí Đức Trung. Ảnh: Hoài Nam

Tại hội nghị “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí" do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lê Văn Tuấn và các doanh nghiệp cơ khí có chung kiến nghị, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể cần có những chính sách về vốn và thuế để giảm lãi suất vay đầu tư cơ khí xuống dưới 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15 - 20%.

Cần tạo hàng rào thuế quan thích hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, theo từng giai đoạn có những điều chỉnh thuế suất thích hợp. Tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất thấp, qua đó thu hút, thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí chế tạo những sản phẩm trọng điểm có lợi thế cạnh tranh phát triển.

Đồng thời hạn chế và kiểm duyệt tối đa việc nhập khẩu máy, dây chuyền công nghệ sản xuất, phương tiện vận tải đã qua sử dụng để bảo vệ sức mua cho thị trường nội địa. "Cơ khí là ngành hàng cần được Nhà nước đưa vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và hưởng những chính sách ưu đãi nhất định bởi phát triển ngành cơ khí là phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành kinh tế, công nghiệp, dịch vụ khác chứ không chỉ làm một số chi tiết, bộ phận của các máy, dây chuyền công nghệ" - Chủ tịch VAMI Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-doanh-nghiep-co-khi-viet-khong-lep-ve-tren-san-nha.html